Thị trường

GĐ Công ty nước sạch số 2: "Không có cạnh tranh giữa các đơn vị cấp nước!"

23/10/2019, 09:46

Dư luận đặt ra nghi vấn vụ đổ dầu thải đầu nguồn nước sạch Sông Đà là chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị cấp nước.

img
Váng dầu nổi trên mặt nước suối trước khi đổ vào hồ Đồng Bãi, Kỳ Sơn, Hoà Bình

Trong thời gian qua, khi sự việc đổ dầu thải đầu nguồn nước sạch Sông Đà chưa được làm rõ, nhiều hoạt động đấu nối, thay đổi nguồn nước diễn ra. Dư luận cũng đặt ra nghi vấn có sự cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường cấp nước đô thị tại Hà Nội.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế của PV Báo Giao thông, việc cấp nước Thủ đô do Sở Xây dựng Hà Nội giám sát, phân bố theo địa giới hành chính. UBND TP Hà Nội ra quy định về giá trần nước sạch để các đơn vị áp dụng theo.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tạ Kỳ Hưng, Giám đốc Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội (Công ty nước sạch số 2) cho hay, Sở Xây dựng Hà Nội giám sát hoạt động mua, bán nước giữa các đơn vị cấp nước; phân bổ địa bàn cấp nước cho từng đơn vị để tránh trùng lặp.

Ông Hưng cho hay, hiện Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội đang mua của Công ty CP Nước sạch Sông Đuống khoảng 21 nghìn m3/ngày đêm; tăng khoảng 11.000 m3 so với 5 tháng trước. Số nước trên cấp bổ sung thay thế vào một phần nước ngầm đang giảm công suất khai thác và nhu cầu khách hàng mua tăng.

"Hợp đồng mua bán nước giữa các nhà máy và đơn vị cung cấp (như Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty CP Nước sạch Sông Đuống) phải ký theo năm dưới sự chứng kiến của Sở Xây dựng. Sở phân chia địa bàn cấp nước theo địa giới hành chính", ông Hưng nói và khẳng định: "Không có sự cạnh tranh giữa các đơn vị cấp nước".

Giải đáp thắc mắc về việc đấu nối nguồn nước sạch Sông Đuống thay thế một phần nguồn nước Sông Đà khu vực Đại Kim, Linh Đàm..., ông Nguyễn Hữu Tới, Tổng giám đốc Công ty Viwaco cho hay, khi xảy ra sự cố nước sạch Sông Đà nhiễm styren, công ty đã đấu nối nguồn nước sạch Sông Đuống thay thế. Lúc đỉnh điểm công suất lên tới 60 nghìn m3/ngày đêm. Đây là giải pháp tạm thời, chống cháy, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Khi nào nước Sông Đà ổn định, đảm bảo sẽ chuyển trả lại.

Tương tự, ông Phạm Ngọc Hoan, Trưởng phòng Tổng hợp, Công ty Nước sạch Hà Đông khẳng định, việc tiếp nhận nguồn nước Sông Đuống là để bổ sung vào nguồn nước thiếu hụt khi giảm sản lượng khai thác giếng ngầm. Do đó, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sản lượng nước Sông Đà đang cung cấp.

Được biết, tổng công suất đơn vị đang cung cấp vào khoảng 125 nghìn m3/ngày đêm, trong đó: Nước sạch Sông Đà duy trì 30 nghìn m3/ngày đêm, nước ngầm tự sản xuất 70 nghìn m3/ngày đêm, còn lại là nước mặt Sông Đuống khoảng 25 nghìn m3/ngày đêm.

Khi được hỏi về giá mua và bán nước, ông Hoan cho hay: "Giá cấp nước giữa các nhà máy chênh nhau chút ít. Thành phố cho phép các bên tự thoả thuận hợp đồng nhưng không vượt quá giá trần quy định".

Mới đây, tại một buổi tọa đàm về thị trường dịch vụ công, TS Nguyễn Sĩ Dũng, chuyên gia quản trị công, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định: "Cung cấp nước sạch là dịch vụ công nên chắc chắn Nhà nước phải can thiệp về giá. Can thiệp là để giá không bị đẩy lên cao, người nghèo cũng có thể tiếp cận dịch vụ này. Nhưng sự can thiệp theo hướng ngược lại (can thiệp để giá bị đẩy lên cao quá giá trị thực - PV) vẫn có thể xảy ra, nếu các quan chức bị tha hoá".

Được biết, giá nước sinh hoạt do TP Hà Nội quy định, áp dụng từ 1/10/2015 đến nay được tính theo bậc thang mức độ sử dụng: 10m3 đầu tiên giá 5.973đ/m3; Từ trên 10m3 đến 20m3 giá 7.053đ/m3; Trên 20m3 đến 30m3 giá 8.669đ/m3; Trên 30 m3 giá 15.929đ/m3.

Việc cấp nước đô thị tại Hà Nội được giao cho 4 đơn vị thực hiện:

- Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Công ty Nước sạch Hà Nội-Hawacom), cung cấp nước địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, một phần quận Hoàng Mai, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Long Biên, các xã thuộc Thanh Xuân, Hoàng Mai, một số xã lân cận thuộc Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

- Công ty CP Đầu tư xây dựng và KDNS (Công ty Viwaco) cung cấp nước cho khoảng 1 triệu dân thuộc địa bàn các quận: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Thanh Trì.

- Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông (Công ty Nước sạch Hà Đông) cung cấp nước cho khoảng 650 nghìn dân thuộc các quận: Hà Đông, một phần quận Nam Từ Liêm, một số xã thuộc huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Phú Xuyên.

- Công ty Cấp nước Sơn Tây (Công ty Nước Sơn Tây) cung cấp nước cho khoảng 144 nghìn người thuộc: TX Sơn Tây, TT Tây Đằng, Ba Vì, một số xã dọc Quốc lộ 32 thuộc huyện Phúc Thọ.

Hai đơn vị là Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Công ty Wiwasupco) và Công ty CP Nước sạch Sông Đuống đóng vai trò nhà phân phối cấp 1.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.