Ảnh minh họa |
Chỉ cần một khúc gỗ đảm bảo kích thước, bất cứ loại gỗ gì cũng được nên cũng khá dễ kiếm, một chút khéo tay để tạo cái mỏ cối, thường bằng gỗ ổi lại càng không hề hiếm. Ngay cả khi mỏ cối cần gắn vài cái đinh hoặc vật kim khí nhằm tạo ma sát, cũng không quá phức tạp. Cái còn lại là cho nó một không gian cố định. Tất cả những yêu cầu đó đều nằm trong tầm tay của bất cứ gia đình nông thôn nào có chút của ăn của để.
Thế là đủ để có một cái cối giã gạo, từng vang bóng một thời chưa kịp xa.
Mặc dù đơn giản thế nhưng hầu như mỗi làng luôn chỉ có vài cái cối giã gạo, theo cụm dân cư, mặc dù không hề có sự phân công mang tính chủ ý nào. Đây là điều thú vị về mặt sinh tồn và văn hóa làng. Một nhà giầu có nứt đố, đổ vách nhưng vẫn có thể đi giã gạo nhờ năm này qua năm khác ở một gia đình kinh tế kém hơn mình. Người giã gạo nhờ không hề coi đó là phiền toái, không hề thấy việc giã nhờ ấy là mất thể diện.
Trong khi chủ của chiếc cối cũng không mảy may xét nét, bực bội hay gợn lên chút so kè nào. Vào lúc cần yên tĩnh mà cứ có tiếng giã gạo thùm thụp do người khác gây ra, chả đáng để bực mình lắm sao. Bực mình hơn là nhà hắn ta thừa khả năng làm một cái cối nhưng hắn không chịu làm mà cứ chỉ đi giã nhờ. Bất cứ suy diễn thông thường nào thì cũng sẽ là như vậy và phải như vậy.
Nhưng nếu thế thì chúng ta làm gì có cái gọi là văn hóa làng, ít ra là văn hóa làng của một thời, để nương vào đó mà làng quê, dù tai ương, giặc giã, lại vẫn cứ giữ được nét thanh bình? Thế mới biết nghèo chưa phải là thứ đáng sợ nhất.
Thông thường giã gạo phải từ hai người trở lên. Một người giã thường tốn sức, mau mệt. Giã gạo là cả một sự khéo léo và mang tính thẩm mỹ cao! Nhà quê, khi chưa cưới hỏi, không bao giờ có chuyện trai gái lạ giã gạo cùng nhau. Sẽ lập tức bị dị nghị, độn thổ cũng không thoát tai tiếng. Vì thế tuyệt nhất là vợ trước, chồng sau, loại bỏ mọi rắc rối của sự đụng chạm. Thậm chí đụng chạm còn có khả năng làm tăng hương vị cuộc sống. Sự nhịp nhàng để cộng hưởng lực, mới chỉ đạt một nửa yêu cầu.
Thời điểm nhún tiếp theo khi mỏ cối đã nện xuống là cả một sự kỳ diệu về cảm giác. Nếu mỏ cối vừa chạm gạo (chưa kịp tận dụng hết lực ma sát) mà đã nhún chân, sẽ làm phí mất lực vừa tạo ra, thậm chí có thể dính đòn “phản lực” bong gân như chơi!. Nhưng nếu để mỏ cối ở trạng thái “chết” rồi mới nhún tiếp, thì phải mất nhiều lực hơn cho một lần giã mới. Vì thế, phải cảm nhận, phải “nghe” vào đúng khoảnh khắc mỏ cối bắt đầu tự nảy lên theo quán tính để nhún chân. Việc này tinh tế đến nỗi nếu người giã chỉ cần có một chút ý thức về điều đó là hỏng ăn. Nó phải đạt đến mức phản ứng bản năng.
Vì thế, có thể nói không quá: Giã gạo còn là hành vi đo mức độ hòa hợp về tâm hồn. Nó giống phần nào với hành động yêu đương. Hai người xung khắc nhau mà làm tình thì chả có tí hứng thú nào, thậm chí tạo ra tội ác. Cũng hai người ấy mà giã gạo thì rất mệt và khiến người ta sợ đến già.
Giã gạo là công việc nặng nhọc chẳng kém gì xay lúa nhưng thú vị và đỡ nhàm chán hơn. Trong khi “xay lúa thì thôi ẵm em”, giã gạo vẫn có thể kết hợp hai việc một lúc trong trường hợp neo người.
Muốn biết người nào nhân hậu, có văn hóa, sống xởi lởi, chỉ cần xem cách họ múc gạo lên từ cối là biết. Họ trân trọng, nâng niu, vỗ về, an ủi những hạt gạo phải qua biết bao khó nhọc và đau đớn mới thành ra hạt ngọc thực. Trong khi nhặt từng hạt bị bắn ra ngoài, họ luôn để lại trong cối một vài lẻ tay cho nhà chủ, tùy họ làm gì thì làm. Kể cả chủ nhà chả bao giờ cần đến số gạo đó và chúng lại thành của người đến giã sau, nhưng nhất định cứ phải để lại thì mới yên lòng, mới ra người tử tế. Lạ thế cái tình nhà quê!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận