Giá dẫn tàu nội địa và quốc tế chênh 2-3 lần
Tin từ Cục Hàng hải VN, cả nước hiện nay có 12 công ty hoa tiêu hàng hải cung cấp dịch vụ dẫn tàu cho khoảng 185 tuyến dịch vụ tại các khu vực cảng biển trên cả nước.
Các công ty trực thuộc 5 doanh nghiệp: Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc (Hoa tiêu II, Hoa tiêu III, Hoa tiêu IV, Hoa tiêu VI); Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam (Hoa tiêu I, Hoa tiêu V, Hoa tiêu VII, Hoa tiêu VIII, Hoa tiêu IX); Công ty TNHH Hoa tiêu hàng hải TKV (thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam); Công ty CP Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu; Công ty Hoa tiêu Tân Cảng (thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn).
Theo quy định tại Thông tư số 54/2018, mức giá hoa tiêu được tính trên cơ sở dung tích tàu biển, khoảng cách dẫn tàu và đơn giá tại từng khu vực.
Khoảng cách dẫn tàu phụ thuộc vào luồng hàng hải của từng cảng biển. Trong đó, đơn giá dẫn tàu nội địa và quốc tế chênh lệch khoảng 2-3 lần.
Như vậy, tại những khu vực có nhiều tàu quốc tế hoạt động với dung tích lớn và tuyến dẫn tàu dài như các cảng nước sâu Hải Phòng, Cái Mép - Thị Vải, hay các cảng lớn như TP.HCM sẽ có mức giá hoa tiêu cao. Còn một số khu vực có tuyến dẫn tàu ngắn, nhiều tàu nội địa hoạt động như Nha Trang, ĐBSCL sẽ có mức giá dẫn tàu thấp.
Theo Cục Hàng hải VN, với công thức tính hiện nay, một số tuyến có mức giá lên tới hơn 150 triệu đồng/lượt, cao hơn 10 lần so với chi phí giá thành phải bỏ ra khi cung cấp dịch vụ (chi phí giá thành dao động từ 4,5-15 triệu đồng tùy thuộc vào loại tàu và khu vực).
Trong khi đó, một số tuyến có doanh thu quá thấp, chỉ từ 500 nghìn đồng/lượt, không đủ bù đắp chi phí cho một lượt dẫn tàu, doanh nghiệp càng làm càng lỗ.
Điển hình như tuyến Ba Ngòi (thuộc Công ty Hoa tiêu 8), có khoảng trên 50% lượt dẫn tàu chỉ thu được mức giá là 500 nghìn đồng dù chi phí bỏ ra khoảng 4,5 triệu đồng/lượt.
Doanh thu doanh nghiệp chênh nhau 44 lần
Thống kê cho thấy, năm 2022, tổng doanh thu từ hoạt động hoa tiêu hàng hải đạt trên 1.425 tỷ đồng. Doanh thu phần lớn tập trung vào các công ty lớn như: Hoa tiêu Tân cảng (447 tỷ đồng), Hoa tiêu Hàng hải khu vực II (221 tỷ đồng), Hoa tiêu Hàng hải khu vực I và Xí nghiệp hoa tiêu Vũng Tàu (217 tỷ đồng).
Nhóm công ty có doanh thu thấp nhất là Hoa tiêu Hàng hải khu vực IX (10 tỷ), Hoa tiêu Hàng hải khu vực VIII (11,95 tỷ), Hoa tiêu Hàng hải khu vực VII (12,58 tỷ), Hoa tiêu Hàng hải khu vực V (22 tỷ). Tổng doanh thu của bốn doanh nghiệp này chỉ chiếm 4,3% tổng doanh thu từ hoạt động hoa tiêu hàng hải.
Đáng chú ý, mức độ chênh lệch giữa doanh nghiệp có doanh thu cao nhất (Công ty TNHH MTV Hoa tiêu Tân cảng) và công ty có doanh thu thấp nhất (Công ty Hoa tiêu TNHH MTV Hoa tiêu Hàng hải khu vực IX) khoảng 44 lần.
Theo một doanh nghiệp hoa tiêu hàng hải, vì doanh thu thấp nên thời gian qua, công ty phải cắt giảm thu nhập của người lao động. Việc đầu tư trang thiết bị, các chế độ phúc lợi, khen thưởng cho người lao động cũng bị hạn chế. Điều đó cũng khiến công ty khó tuyển dụng và thu hút các hoa tiêu có trình độ chuyên môn giỏi vào làm việc.
"Để chọn được một hoa tiêu, phải là sỹ quan, tương đương đi tàu ở chức danh phó 3 khoảng 1 năm. Trong khi ở chức danh đó, mức lương của họ đã rất cao. Về làm hoa tiêu với mức lương thấp hơn, sẽ rất khó để công ty tìm được nhân sự", doanh nghiệp này chia sẻ.
Được biết, Bộ GTVT đang lấy ý kiến Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 54/2018 ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển. Theo đó, nhiều tuyến dẫn tàu sẽ được tăng giá dịch vụ hoa tiêu sẽ được tăng giá, đảm bảo bù đắp một phần chi phí giá thành cho doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận