Phạt nguội từ clip người dân cung cấp
Mới đây, Công an huyện Phú Thiện (Gia Lai) cho biết đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đối với 2 thiếu niên điều khiển xe môt tô vi phạm luật giao thông đường bộ.
Trước đó, người dân đã cung cấp một đoạn clip ghi lại cảnh 2 thiếu niên dùng mô tô chạy tốc độ cao, liên tục nẹt pô, lạng lách đánh võng tại tuyến đường tỉnh lộ 662B đoạn qua xã Chư A Thai.
Trang facebook Công an huyện Phú Thiện, Gia Lai.
Từ clip người dân cung cấp, lãnh đạo Công an huyện đã chỉ đạo lực lượng CSGT Công an huyện phối hợp với Công an xã Chưa A Thai tiến hành xác minh làm rõ, qua xác minh xác định 2 đối tượng thanh thiếu niên trong clip là Đinh P. (18 tuổi) và Đinh P. (16 tuổi) cả 2 đều trú tại thôn Plei Chớ, X. Chưa A Thai. Hai thiếu niên sau đó đã được mời về trụ sở Công an huyện để làm việc. Tại đây, cả hai đều thừa nhận vi phạm.
Công an huyện Phú Thiện đã xử phạt hành chính Đinh P. 8,7 triệu đồng vì các lỗi điều khiển phương tiện không đội MBH, không có giấy phép lái xe, không mang theo giấy đăng ký xe, gắn bộ phận giảm thanh không đảm bảo, lạng lách trên đường, không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Đối với Đinh Th. bị xử phạt hơn 4,3 triệu đồng vì không có giấy phép lái xe, không mang theo giấy đăng ký xe, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng và chở người ngồi trên xe không đội MBH.
Ngoài ra, Công an huyện Phú Thiện cũng xử phạt 2 chủ phương tiện đã giao xe máy cho 2 thiếu niên chưa có GPLX điều khiển phương tiện nói trên với tổng số tiền 2,8 triệu đồng.
Tương tự, tại huyện Đak Đoa, qua thông tin từ người dân ghi hình, cung cấp cho lực lượng chức năng. Công an huyện này đã tiến hành xác minh việc một thanh niên không sử dụng MBH khi tham gia giao thông khi đi xe mô tô. Quá trình truy xuất dữ liệu, kiểm tra nhận dạng hình ảnh đã mời anh V.X.T (trú tại tổ dân phố 7, thị trấn Đak Đoa) đến cơ quan công an làm việc.
Tại đây, anh T. thừa nhận ngày 4/5, anh điều khiển xe mô tô tại thị trấn Đak Đoa mà không đội MBH. Với lỗi trên, cơ quan CSGT công an huyện ra quyết định xử phạt hành chính.
Trung uý, Nguyễn Thị Bảo Ngân, đội CSGT công an huyện Đak Đoa đang kiểm tra trên thông tin người dân cung cấp người vi phạm giao thông trang Facebook của công an huyện.
Lập các trang mạng xã hội để tiếp nhận thông tin
Theo công an huyện Đak Đoa, thời gian vừa qua trên địa bàn huyện “nóng” lên tình trạng mất ATGT, nhất là ở vùng nông thôn. Việc triển khai các giải pháp nhằm tăng cường tuyên truyền và xử phạt vi phạm về TTATGT được triển khai đồng bộ mọi mặt.
"Các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số người dân còn chủ quan, thanh thiếu niên nhận thức pháp luật và tham gia giao thông ý thức còn kém. Bên cạnh đó lực lượng chức năng ở địa phương mỏng, tần suất tuần tra kiểm soát giao thông ít. Điều này dẫn đến TNGT ở vùng nông thôn Gia Lai thời gian qua đang có dấu hiệu tăng cao.
Vậy nên, khi triển khai mô hình phạt nguội từ người dân cung cấp qua mạng xã hội này bước đầu cho thấy rất hiệu quả, cần đẩy mạnh thực hiện. Bởi vì ai điều khiển phương tiện cũng cảm thấy mình như bị giám sát, bản thân họ sẽ tự ý thức cao hơn trong tuân thủ luật Giao thông đường bộ. Điều này rõ ràng sẽ góp phần quan trọng trong kéo giảm TNGT".
Ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai.
Trao đổi với Báo Giao thông, Trung tá Nguyễn Thế Anh, Đội trưởng đội CSGT công an huyện Đak Đoa cho biết, việc người dân cung cấp hình ảnh, clip liên quan đến giao thông sẽ được xử lý triệt để nhằm tạo hiệu ứng xã hội, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ.
“Huyện có 17 xã, thị trấn với hàng trăm km đường tỉnh lộ, đường liên huyện và cả Quốc lộ đi qua địa bàn huyện. Trong khi đó, Đội CSGT công an huyện chỉ có 10 người, trong đó chỉ có 5 cán bộ thường xuyên tuần tra kiểm soát ở ngoài đường. Vì vậy, việc lập các trang thông tin trên mạng xã hội để tuyên truyền các chủ trương chính sách, pháp luật rất có hiệu quả và được người dân đón nhận qua cách tuyên truyền này rất hiệu quả.
Cùng với trang Facebook “Công an huyện Đak Đoa”, Công an các xã, thị trấn cũng đã có trang Facebook riêng. Bên cạnh đó, Công an huyện cũng đã tạo lập, quản lý 109 nhóm trên mạng xã hội Zalo cho các thôn, làng, tổ dân phố với sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương và lực lượng Công an.
Trung uý Nguyễn Thị Bảo Ngân, đội CSGT công an huyện Đak Đoa (quản trị viên trang Facebook của công an huyện) cho biết: “Các nhóm, trang mạng xã hội này trở thành đầu mối tương tác, cung cấp thông tin về an ninh trật tự nói riêng, an toàn giao thông nói chung của người dân đến lực lượng chức năng. Với mạng lưới này, Công an huyện Đak Đoa đã tận dụng được “tai mắt” của người dân để đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Cũng theo trung uý Ngân: “Sau khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh phản ánh về trật tự ATGT, chúng tôi tiến hành gửi thông tin đến công an xã, thị trấn hỗ trợ xác minh, truy tìm, xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Đây là một hình thức xử lý nguội mà chúng tôi áp dụng khá hiệu quả trong thời gian gần đây”.
Sau hơn 7 tháng triển khai mô hình này, Công an huyện Đak Đoa đã tiếp nhận khoảng 40 thông tin tố giác hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh trật tự; 20 thông tin, hình ảnh phản ánh về những bất cập trong tổ chức giao thông đường bộ do người dân cung cấp... được xác minh và xử lý.
Trên cơ sở đó, cơ quan Công an huyện Đak Đoa đã xử lý 20 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đồng thời, Công an huyện tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo cơ quan chức năng khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, bất cập về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ tại địa phương.
Đại tá Lê Văn Hà - Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết: "Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày một phát triển, người dân sử dụng điện thoại thông minh chiếm tỉ lệ cao, các mạng xã hội trở thành một trong những trang thông tin được người dân thường xuyên sử dụng thì sử dụng nền tảng mạng này để tuyên truyền trên các lĩnh vực là rất thuận lợi.
Lực lượng công an Gia Lai đã triển khai đồng bộ việc ứng dụng thông tin để tuyền truyền, tiếp nhận thông tin từ người dân cung cấp qua mạng xã hội như Facebook, Zalo. Công an tỉnh sẽ chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp nhận hình ảnh do người dân cung cấp để xác minh, xử lý, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân.
Qua đó không chỉ nâng cao nhận thức của người dân về việc chấp hành pháp luật, đảm bảo an toàn giao thông mà còn giúp mỗi công dân cảm thấy có trách nhiệm trong việc giám sát, hỗ trợ lực lượng CSGT nói riêng và xây dựng phong trào 'Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc' nói chung”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận