Thị trường

Giá lúa gạo sốt từng ngày sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ

04/08/2023, 17:08

Giá gạo xuất khẩu và nội địa tăng từng ngày sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, UAE, Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt.

Giá gạo Việt xuất khẩu cao nhất 11 năm

Trước diễn biến nóng của thị trường gạo sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ, UAE, Nga, báo cáo về tình hình xuất khẩu gạo, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thông tin, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Đông, một số thị trường xuất khẩu truyền thống tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022.

Mỗi ngày, giá gạo trong nước tăng trung bình từ 50-100 đồng/kg.
Mỗi ngày, giá gạo trong nước tăng trung bình từ 50-100 đồng/kg.

Đơn cử, Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (chiếm gần 40,1% tổng lượng xuất khẩu) tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022; Trung Quốc (thị trường lớn thứ 2) tăng 60,7%.

Cũng theo ông Đông, trong quý I/2023 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khoảng 450 USD/tấn. Sang quý II, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức 535 USD/tấn.

Thị trường tiếp tục tăng cao khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (phi basmati). Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD/tấn so với thời điểm lệnh cấm được ban hành.

Tính đến ngày 1/8/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn.

Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Bộ Công thương nhận định, giá còn diễn biến mạnh trong thời gian tới dưới nhận định của nhiều nhà chuyên môn.

Chủ tịch Phòng Nông nghiệp và Lương thực Philippines (PCAFI) nhận định: lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ làm tăng hoạt động đầu cơ và cạnh tranh…đẩy giá lên cao, gây thêm áp lực lên giá gạo nội địa nước này.

Giám đốc quốc gia của Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) cho biết, các thương nhân hiện đang xem xét thông tin về nguồn cung và giá từ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam. Sau khi lệnh cấm có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Philippines đã chấp nhận giá chào mới từ các doanh nghiệp Việt Nam để có hàng trong tháng 8 khi vụ Hè Thu thu hoạch.

Giá nội địa tăng lên từng ngày

Không chỉ giá xuất khẩu, Bộ Công thương cho biết, giá lúa gạo nội địa cũng đang lên từng ngày, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số nước.

Cụ thể, trung bình mỗi ngày tăng từ 50-100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400-500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7 (lệnh cấm có hiệu lực).

Hiện, giá gạo IR50404 lên 10.750 đồng/kg, tăng 5% (tương đương tăng 500 đồng/kg); giá gạo OM5451 đạt 11.000 đồng/kg, tăng 5% (tương đương tăng 550 đồng/kg); giá gạo Đài Thơm 8 đạt 11.300 đồng/kg, tăng 6% (tương đương tăng 650 đồng/kg)…

Trước thực tế này, Bộ Công thương đã hoả tốc văn bản gửi các địa phương để bình ổn thị trường gạo.

Theo đó, đề nghị các doanh nghiệp có phương án về nguồn hàng lúa gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng lúa gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Bộ Công thương lưu ý, các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.