Cụ thể, giá nước sinh hoạt được cung cấp bởi Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi áp dụng từ tháng 9 đến hết năm 2023 tăng gần 30% và đến ngày 1/1/2024 tăng hơn 52%. Vì sao giá nước sinh hoạt mới tăng đột biến như vậy?
Giá nước sinh hoạt tăng hơn 52%
Theo tìm hiểu của phóng viên, bảng giá nước sinh hoạt tại Quảng Ngãi trước tháng 8/2023, đối với hộ gia đình cá nhân có giá dao động từ 4.929 đồng/m3 đến 8.449 đồng/m3 tùy vào lượng nước sử dụng (đã có VAT). Trong đó, giá tiền bình quân cho mỗi m3 nước sinh hoạt là 7.041 đồng/m3.
Thế nhưng, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh vừa ký quyết định 908 quy định mức giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt của Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi áp dụng từ ngày 6/9 đến hết năm 2023 và bảng giá nước áp dụng từ ngày 1/1/2024, giá nước tăng đột biến.
Cụ thể, giá nước sinh hoạt từ tháng 9/2023 đến hết năm 2023, bình quân 10.126 đồng/m3 (chưa có VAT) và có VAT là 10.727 đồng/m3 (áp dụng giảm 15% theo Nghị định 58 của Chính phủ) nên giá tiền mà người dân Quảng Ngãi sẽ phải trả hơn 9.118 đồng/m3 (đã có VAT) tăng hơn 2.075 đồng/m3, tăng 29,4% so với tháng 8/2023.
Riêng từ 1/1/2024 giá nước được điều chỉnh tăng đột biến 7.151 đồng/m3 đối với hộ sử dụng dưới 10m3/tháng; sử dụng trên 10-20m3/tháng là 10.216 đồng/m3; sử dụng trên 20-30m3/tháng là 12.259 đồng/m3 và trên 30m3/tháng là 15.324 đồng/m3. Trong đó, giá nước bình quân chưa có VAT là 10.126 đồng/m3 và có VAT là 10.727 đồng/m3.
Như vậy, người dân sẽ phải trả số tiền 10.727 đồng/m3 nước sinh hoạt, tăng 3.686 đồng/m3, tăng hơn 52% so với giá nước tháng 8/2023.
Việc giá nước sinh hoạt tại Quảng Ngãi tăng "dựng đứng" hơn 52%, khiến người dân "méo mặt". Nhiều hộ dân cho rằng mức giá tăng như vậy là quá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều trường hợp thất nghiệp phải "chạy ăn từng bữa", cộng với vật giá leo thang khiến đời sống càng thêm khó khăn khi phải "gánh" thêm chi phí giá nước mới.
Bà Lê Thị Hà, một hộ dân phường Chánh Lộ than thở: Hai vợ chồng tôi về hưu với mức lương khiêm tốn nên phải chi tiêu dè sẻn, giờ giá nước tăng cũng đồng nghĩa các chi tiêu lại tiếp tục phải "thắt" lại.
"Lẽ ra việc tăng giá nước phải có lộ trình, không thể tăng đột ngột như thế. Bản thân tôi có lương hưu, còn cân đối trong sinh hoạt, nhưng hàng xóm của tôi lao động chân tay, buôn thúng bán bưng, khó khăn lắm", bà Hà nói.
Còn bà Phạm Thị Bé, tổ 2, phường Chánh Lộ nói rằng trung bình mỗi tháng bà sử dụng hơn 120 nghìn tiền nước, nếu giá nước tăng lên như thông báo thì bà phải trả thêm khoản tiền 70.000 đồng/tháng.
"Tôi bán đồ ăn vặt, tiêu thụ nước nhiều vì phải rửa rau, chén, bát… cuộc sống mưu sinh khó khăn nên tiền làm ra chỉ đủ ăn, trong khi giá điện tăng, giá hàng hóa tăng và giờ giá nước cũng tăng. Người thu nhập thấp như tôi đã khó còn "cõng" thêm những cái khó nữa", bà Bé than thở.
Doanh nghiệp cấp nước nói gì?
Trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi Nguyễn Đăng Đơ cho rằng, bảng giá nước sinh hoạt mới áp dụng cho năm 2023 và năm 2024 là phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội cũng như trượt giá và nhiều vấn đề liên quan khác.
Theo ông Đơ, trong 10 năm qua, giá nước không tăng, trong khi doanh nghiệp phải vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, song tỷ lệ người dân sử dụng nước rất hạn chế dẫn đến việc kinh doanh chưa thực sự hiệu quả.
"Qua 10 năm không có một mặt hàng nào của xã hội là không tăng, ngay giá vật tư, nhân công, máy móc thiết bị, hóa chất xử lý nước đều tăng. Đặc biệt, giá điện đã 9 lần tăng giá, trong khi chi phí trong kết cấu thành giá nước chiếm tỷ lệ lên đến 20%, vì nước chủ yếu là bơm lên hệ thống xử lý. Đồng thời, trong năm 2021 thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc điều chỉnh giá nước sinh hoạt đơn vị đã mất nguồn thu gần 800 triệu đồng", ông Đơ nói.
Cũng theo ông Đơ, hiện đơn vị phải gánh nhiều khoản chi từ tin nhắn, hóa đơn… trong khi những nhóm khách hàng có giá thu cao thì sử dụng rất hạn chế, đơn cử như giá cấp nước cho Khu công nghiệp VSIP thì bán giá sỉ chỉ hơn 5.000/m3.
Còn các dự án đầu tư như cấp nước cho xã Nghĩa An đầu tư hơn 23 tỷ đồng nhưng người dân cả xã sử dụng chưa đến 32 triệu đồng/tháng; thị trấn Sông Vệ cũng vậy hoàn thiện đầu tư hơn 12 tỷ đồng nhưng mỗi tháng sử dụng chưa đến 50% công suất. Rồi hệ thống cấp nước thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ đầu tư gần 8 tỷ đồng, nhưng đến nay mỗi tháng thu về chưa đến 7 triệu đồng/tháng.
Nhiều nơi người dân sử dụng quá ít chưa đến 40% nên công ty phải xả để tránh chất lượng nước xuống cấp, khi đó phải bơm nước mới vào bể dẫn đến tốn thêm chi phí điện, chi phí hóa chất xử lý, chi phí nhân công…
"Công ty đã rất chật vật trong thời gian qua, việc tăng giá là chẳng đặng đành vì các địa phương lân cận như Quảng Nam, Bình Định đã tăng từ lâu. Bản chất việc tăng nước là quá trình thời gian 10 năm qua không tăng rất thiệt thòi cho doanh nghiệp. Xét cho cùng thời gian qua người dân được hưởng lợi rất lớn, nên giờ giá nước "nhảy cóc" để đáp ứng theo giá thị trường và để công ty có lãi nhằm tiếp tục đầu tư hệ thống cấp nước nên bắt buộc phải tăng nhưng cũng căn cứ trên cơ sở giá của UBND tỉnh", ông Đơ nói.
Cũng theo ông Đơ, trong 10 năm qua giá nước không tăng vì trong giai đoạn từ 2015-2021 công ty thực hiện cổ phần hóa, tăng vốn điều lệ để lên sàn chứng khoán nên chỉ tập trung nhân lực vào việc này mà "quên" đi chuyện xây dựng bảng giá nước mới. Do đó, vừa qua đơn vị xây dựng bảng giá nước mới và có tăng "sốc", nhưng đây là căn cứ theo giá thị trường và tương đồng với các địa phương lân cận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận