Lúc 13h chiều nay, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn 46,75-47,35 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 100 nghìn đồng ở cả hai chiều so với lúc 9h sáng nay.
Mức tăng này đà bù đắp phần nào được sự sụt giảm mạnh trong sáng nay của giá vàng thương hiệu quốc gia.
Cùng thời điểm, giá vàng SJC tại hệ thống Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu được niêm yết 46,88-47,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 120 nghìn đồng chiều mua vào và giảm 280 nghìn đồng chiều bán ra.
Trong khi đó, giá vàng thương hiệu riêng của doanh nghiệp này là Rồng Vàng Thăng Long đã về sát 46 triệu đồng khi giảm còn 46,01-46,66 triệu đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn vàng bạc Phú Quý, giá vàng SJC cũng được niêm yết 46,60-47,10 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với thời điểm sáng nay…
Giá vàng trong nước tiếp tục giảm do giá vàng thế giới không thể phục hồi trong phiên giao dịch hôm nay.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay cùng thời điểm được giao dịch 1.632,70 USD/ounce, giảm 3,1 USD (0,19%) so với lúc mở cửa.
Giá vàng thế giới đã có dấu hiệu phục hồi đầu phiên sáng nay lên sát ngưỡng 1.650 USD/ounce song ngay sau đó lại giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 1.640 USD/ounce, có lúc sát ngưỡng 1.630 USD/ounce.
Không chỉ giá vàng đảo chiều, giá các kim loại khác cũng quay đầu giảm: Giá bạc giảm 0,20 USD xuống 16,51 USD/ounce, giá Platinum giảm 1 USD xuống 860 USD/ounce và giá Palladium giảm 93 USD còn 2.102 USD/ounce.
Các thị trường hiện đang “tiêu hóa” các thông tin từ diễn biến mới liên quan tới dịch visus Corona khi WHO tuyên bố dịch này ở mức đại dịch toàn cầu và Tổng thống Mỹ Donald Trump đình chỉ hoàn toàn mọi hoạt động đi lại từ các nước châu Âu trong vòng 30 ngày, trừ Anh.
Thị trường chứng khoán Châu Á đã “đỏ sàn” ngay từ khi mở cửa. Đến 13h trưa nay theo giờ Việt Nam, các chỉ số chính trên thị trường Châu Á vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh: Chỉ số NIKKEI giảm 799,14 điểm xuống 18.616,92 điểm; Chỉ số HANG SENG giảm 873,80 điểm xuống 24.357,81 điểm và chỉ số S&P/ASX 200 giảm -353,50 điểm xuống 5.372,40 điểm.
Thị trường dầu mỏ vốn được coi là song hành với thị trường hiện đang trải qua những ngày dậy sóng. Saudia Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab (UAE) đã tuyên bố tăng sản lượng khai thác. Cụ thể, Bộ Năng lượng Saudi Arabia đã yêu cầu Tập đoàn sản xuất dầu mỏ Saudi Aramco nâng sản lượng khai thác từ 12 lên 13 triệu thùng/ngày. Công ty dầu khí quốc gia ADNOC của UAE cũng sẽ tăng cung lên hơn 4 triệu thùng/ngày trong tháng 4 tới, sau đó sẽ lên 5 triệu thùng/ngày.
Ngay sau động thái này của Saudia Arabia và UAE, theo Bloomberg, các nước gồm Iraq, Kuwait và UAE tiếp tục tuyên bố giảm giá bán dầu. Riêng Iraq sẵn sàng giảm thêm 5 USD/thùng trong tháng 4 tới , còn Kuwait giảm tới 6 USD/thùng. Không chỉ giảm giá, Iraq còn tăng nguồn cung cũng trong tháng 4/2020.
Diễn biến này khiến nhiều người cho rằng sang tháng 4 thế giới sẽ tràn ngập dầu mỏ.
Trong phiên giao dịch đêm qua tại Mỹ, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,43 USD (3,8%) xuống 35,79 USD/thùng; Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,38 USD (4%) xuống 32,98 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch.
Diễn biến trên thị trường dầu mỏ những phiên tới cũng sẽ tiếp tục tác động tới thị trường hàng hóa khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận