Giá vàng đánh dấu phiên giảm giá rất mạnh sau hai phiên tăng liên tiếp. Cụ thể, chốt phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đã chốt dưới ngưỡng 1.650 USD/ounce. Đây là mức thấp nhất trong gần 1 tuần qua.
Với mức giảm hơn 30 USD phiên hôm qua, kim lại quý ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 28/2. Trong phiên, có lúc giá vàng chạm đáy 1.641,10 USD/ounce.
Đêm qua, giá vàng kỳ hạn tháng 4 cũng giảm mạnh 21,50 USD xuống 1.654,10 USD/ounce.
Đầu phiên giao dịch sáng nay, giá vàng phục hồi nhẹ và lên trên ngưỡng 1.655 USD/ounce. Lúc 7h30 sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới được giao dịch tại 1.655,50 USD, tăng 5,60 USD (0,34%).
Thị trường phục hồi sau đợt bán tháo vừa qua để bù đắp cho thiệt hại trên thị trường cổ phiếu. Một số hoạt động mua lại đã xuất hiện trên thị trường vàng.
Về giao dịch của các quỹ lớn, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới là SPDR Gold Trust đã mua thêm 30,99 triệu ounce trong đợt khủng hoảng dịch bệnh này. Đây là mức mua vào cao nhất kể từ tháng 10/2016.
Liên quan tới tình hình dịch bệnh, một số nhận định cho rằng dịch đang tạo đỉnh. Riêng tại Mỹ, dù cho rằng thế giới “cần có cái nhìn khác” về tình hình dịch bệnh thay vì thái quá như hiện nay nhưng Tổng thống Trump và chính quyền của ông hôm qua cũng đã họp để thảo luận về cứu trợ tài chính cho các doanh nghiệp và công nhân Mỹ bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của virus Corona.
“Chảo lửa” thị trường chứng khoán Mỹ đã hạ nhiệt. Bên cạnh đó, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm phiên hôm qua đã lên 0,7% sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,387% vào phiên giao dịch đầu tuần này. Đây dược coi là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh giới đầu tư vẫn đang rất lo lắng về tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Phiên hôm qua, giá dầu thô trên sàn Nymex đã tăng mạnh và được giao dịch quanh 33,75 USD/thùng sau khi giảm xuống mức thấp nhất 4 năm vào thứ Hai. Cuộc chiến dầu mỏ giữa Nga và Ả Rập Xê Út dường như chưa thể kết thúc sớm. Tuy nhiên, những người theo dõi thị trường năng lượng kỳ cựu đều cho rằng cả Nga và Ả Rập Xê Út đều không ưa cách kiểm soát thị trường năng lượng từ Bắc Mỹ và đã làm thay đổi đáng kể thị trường năng lượng toàn cầu trong 10 năm qua.
Do đó, một kịch bản được giả định là cả hai bên Nga và Ả Rập Xê Út có thể sẽ tiếp tục bơm nhiều dầu nhất có thể ra thị trường trong những tháng tới. Điều này được cho là có thể sẽ dẫn tới sự phá sản của nhiều công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ và Canada. Lúc đó, Ả Rập Xê Út và Nga có thể điều chỉnh lượng dầu khai thác để đẩy giá dầu thô tăng cao trở lại.
Trở lại với thị trường vàng, về mặt kỹ thuật, giá vàng kỳ hạn tháng 4 đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong phiên. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá vẫn có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Đường xu hướng tăng giá bốn tháng vẫn được duy trì nhưng đang bị đe dọa bởi phiên giảm giá hôm qua.
Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo là tạo ra một mức đóng cửa trên mức kháng cự kỹ thuật vững chắc trong tuần này là 1.704,30 USD. Ngược lại, mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo đang đẩy giá xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.625,00 USD/ounce.
Trong nước, sau phiên tăng mạnh trước đó, giá vàng trong nước đã đảo chiều giảm mạnh.
Cụ thể, lúc 8h sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM niêm yết 46,90-47,55 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 250 nghìn đồng chiều mua vào và 300 nghìn đồng chiều bán ra so với cùng thời điểm phiên trước.
Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội cũng giảm mạnh 500 nghìn đồng chiều mua vào và bán ra về 46,60-47,50 triệu đồng lúc 8h sáng nay.
Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng Long giảm mạnh tới 610 nghìn đồng chiều mua vào và giảm 560 nghìn đồng chiều bán ra về 46,49-46,98 triệu đồng/lượng…
Như vậy, đến thời điểm này giá vàng Rồng Thăng Long đã mất mốc 47 triệu đồng.
Dự kiến trong phiên giao dịch sáng nay, giá vàng trong nước có thể tiếp tục điều chỉnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận