Đầu phiên giao dịch sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM được niêm yết 45,80-46,60 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 350 nghìn đồng chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm phiên trước.
Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội được niêm yết 45,60-46,20 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 200 nghìn đồng chiều mua vào nhưng giữ nguyên chiều bán ra.
Trong khi đó, ngược chiều xu hướng, giá vàng Rồng Thăng Long đến sáng nay được niêm yết 44,03-44,83 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng chiều mua vào và giảm mạnh 100 nghìn đồng chiều bán ra…
Đáng chú ý trong phiên sáng nay là khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra tại các thương hiệu đã được co hẹp mạnh về còn 600-800 nghìn đồng/lượng.
Biến động giá vàng trong nước hai phiên gần đây không còn quá lớn như những phiên trước, quanh 200-400 nghìn đồng/phiên.
Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng đã co nhẹ về 1,77 triệu đồng, tính tới thời điểm này.
Trong phiên sáng nay, giá vàng trong nước có thể đảo chiều giảm nhẹ.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao sau khi loanh quanh ngưỡng 1.480 USD trong 2/3 thời gian giao dịch của phiên đã có dấu hiệu bật tăng khi các chỉ số chứng khoán Châu Á đóng cửa phiên trong sắc đỏ và thị trường chứng khoán Châu Âu cũng không nằm ngoài xu hướng khi kinh tế Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái, các tập đoàn lớn trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch virus Corona.
Hiện Trung Quốc đã khởi động lại các hoạt động kinh tế, song các chuyên lại lại cảnh báo về khả năng xảy ra một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu vì dịch Covid-19.
Trong phiên đêm qua, các ngân hàng liên tục phát đi tín hiệu nâng đỡ thị trường: Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ mua 750 tỷ Euro chứng khoán để; Ngân hàng Trung ương Anh cũng nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ đã bổ sung thêm thanh khoản ngắn hạn cho hệ thống tài chính của Hoa Kỳ. Chính phủ Mỹ cũng chuẩn bị công bố gói hỗ trợ tài chính cho công dân và doanh nghiệp Mỹ.
Phiên đêm qua, chỉ số USD đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm. Tuy nhiên, điều lo ngại là thâm hụt liên bang sắp tăng lên gấp đôi các gói cứu trợ tài chính và nỗ lực cứu trợ các công ty.
Đêm qua theo giờ Việt Nam, có lúc giá vàng thế giới bật lên 1.488,40 USD/ounce, tăng 1,30 USD (0,09%) so với thời điểm mở cửa. Nhưng có vẻ đà tăng này không duy trì được lâu khi lực bán vẫn duy trì từ khi vàng rơi khỏi ngưỡng 1.500 USD/ounce.
Chốt phiên giao dịch đêm qua, giá vàng thế giới đã đóng cửa dưới ngưỡng 1.480 USD và ghi nhận thêm một phiên giảm giá, lực cầu suy giảm rõ rệt.
Lúc 7h30 sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới chỉ được giao dịch 1.475,90 USD/ounce, tăng nhẹ 3,50 USD (0,24%) so với thời điểm mở cửa. Đáng chú ý, ngay đầu phiên, giá kim loại quý đã giảm xuống 1.455,90 USD/ounce.
Trong trường hợp giá vàng tiếp tục giảm và thủng ngưỡng 1.450 USD/ounce, giới phân tích cho rằng lúc đó hoạt động bán tháo sẽ diễn ra trên diện rộng và tiếp tục đẩy vàng xuống mức sâu hơn và có thể dẫn tới sự sụp đổ tâm lý thị trường.
Hiện xét trong 30 phiên giao dịch gần nhất, giá vàng thế giới đã giảm mạnh 126,30 USD (tương đương giảm tới 7,89%).
Đến thời điểm này giá vàng thế giới tương đương 41,30 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC 5,30 triệu đồng/lượng.
Mức chênh lệch này cao do giá vàng thế giới giảm rất mạnh cả tuần qua, trong khi giá vàng trong nước điều chỉnh rất dè dặt.
Như vậy, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới tiếp tục được nới rộng và đã vượt 5 triệu đồng, tương đương mức cao nhất xảy ra hồi năm 2011 khi vàng bị đầu cơ làm giá.
Do đó, các hoạt động mua bán lướt sóng thời điểm này nên được cân nhắc cẩn thận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận