Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (26/3), giá vàng thế giới điều chỉnh nhẹ 1,20 USD (0,09%) về 1.321,20 USD/ounce. Tuy nhiên, điều gây chú ý đối với giới đầu tư là đà tăng mạnh của kim loại quý đã vững trong suốt phiên hôm qua, đặc biệt về cuối phiên (đêm qua theo giờ Việt Nam).
Cuối phiên, giá vàng đã bứt phá mạnh và duy trì trên ngưỡng 1.3.20 USD/ounce cho tới hết phiên. Phiên này, giá vàng đã tăng đều một mạch từ 1.315 USD/ounce lên 1.321 USD/ounce. Mức tăng mạnh khiến biên độ giao động phiên này cũng rất rộng 1.314,60-1.325,20 USD/ounce.
Đây là phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp của giá vàng và đánh dấu mức cao nhất kể từ ngày 28/2 vừa qua.
Nếu tính từ “đáy” ngày 4/3, chỉ trong 3 tuần, giá vàng đã tăng mạnh khoảng 33 USD/ounce.
Giá vàng tăng mạnh trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn đang âm thầm tích lũy để tăng lượng dự trữ vàng. Theo Hội đồng Vàng thế giới, các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng sau khi lượng mua vàng của các định chế này đã lên cao nhất vào năm ngoái.
Năm 2018, các ngân hàng trung ương đã mua thêm tổng cộng 651,5 tấn vàng. Các ngân hàng mua mạnh nhất phải kể tới Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Các quốc gia truyền thống đã liên tục mua vàng trong vòng 8 năm qua.
Ngoài ra, danh sách này cũng đã thêm vào các quốc gia khác, theo Junlu Liang - chuyên gia phân tích cao cấp của Công ty tư vấn Metal Focus, là gồm Ba Lan và Hungary, các quốc gia trong Liên minh châu Âu cũng đầu tiên mua vàng kể từ đầu thế kỷ trước. Riêng Hungary, ngân hàng trung ương nước này không chỉ quay lại mua vàng lần đầu tiên sau 32 năm mà còn tăng tổng số nắm giữ lên gấp 10 lần.
Đáng chú ý tại thị trường truyền thống là Ấn Độ, nước này tham gia mua vào. Vào phiên thứ Sáu tuần trước, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã mua vàng lần đầu tiên sau gần một thập kỷ ngưng trệ.
Theo báo cáo thường niên mới nhất, RBI đã bổ sung 8,46 tấn vàng vào kho dự trữ của mình trong năm tài chính 2017-20118, đưa mức dự trữ vàng của nước này lên 566,23 tấn.
Những động thái trên của các ngân hàng báo hiệu rằng kim loại quý đang trở thành kênh dự trữ và sinh lời trong bối cảnh thu nhập ròng từ trái phiếu đang giảm.
Diễn biến này đang được kỳ vọng sẽ đẩy giá vàng thế giới lên một mức cao mới, kéo theo giá vàng trong nước tăng mạnh.
Trong nước, sáng sớm nay, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn được niêm yết mức 36,65-36,78 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng chiều mua vào và tăng 40 nghìn đồng chiều bán ra so với mở cửa phiên hôm qua.
Tại Tập đoàn DOJI, giá vàng Doji sáng sớm nay cũng được niêm yết ở mức 36,69-36,79 triệu đồng/lượng, tăng 40 nghìn đồng hai chiều.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng thương hiệu SJC ở mức 36,70-36,78 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 50 nghìn đồng hai chiều.
Không nằm ngoài xu hướng, giá vàng thương hiệu riêng của doanh nghiệp này là Rồng vàng Thăng Long ở mức 36,66-37,11 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 70 nghìn đồng hai chiều.
Sau một tuần thận trọng giao động sát ngưỡng 37 triệu đồng, giá vàng trong nước kỳ vọng bứt phá theo đà thế giới như dự đoán.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận