Thị trường

Giá vàng ngày 21/2: Vàng trong nước tăng, giảm trái chiều

21/02/2022, 09:00

Giá vàng hôm nay: Các thương hiệu vàng trong nước điều chỉnh trái chiều phiên đầu tuần khi giá vàng thế giới chững lại.

Giá vàng hôm nay 21/2 là bao nhiêu? Giá vàng Kitco, Giá vàng SJC, Doji, Rồng Vàng Thăng Long, NPQ, 9999, cập nhật mới và chính xác nhất dưới đây:

Giá vàng trong nước

Mở cửa phiên đầu tuần sáng nay, giá vàng trong nước điều chỉnh trái chiều.

Cụ thể, lúc 9h sáng nay, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng nhẹ 50 nghìn đồng chiều mua vào nhưng giảm 50 nghìn đồng chiều bán ra khi được niêm yết 62,60-63,20 triệu đồng/lượng.

Cùng lúc, giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội cũng tăng nhẹ 50 nghìn đồng hai chiều lên 62,40-63,20 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lại giảm 30 nghìn đồng hai chiều về 53,86-54,51 triệu đồng/lượng.

Sáng nay, chỉ có giá vàng 9999 thương hiệu NPQ của Phú Quý giữ nguyên 54,5 triệu đồng khi được niêm yết 53,80-54,50 triệu đồng/lượng mua vào bán ra…

Trước giờ mở cửa phiên sáng nay, giá vàng trong nước được niêm yết ở mức cao.

img

Vàng trong nước tăng mạnh tuần qua. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn được niêm yết 62,55-63,25 triệu đồng/lượng; Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội cũng ở mức cao 62,35-63,15 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, sau khi tăng mạnh phiên cuối tuần hơn 100 nghìn đồng, giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu là 53,89-54,54 triệu đồng/lượng.

Giá vàng 9999 thương hiệu NPQ của Phú Quý cũng cán mốc 54,5 triệu đồng khi được niêm yết 53,80-54,50 triệu đồng/lượng mua vào bán ra…

Tuần trước, giá vàng trong nước tăng đầu tuần, giảm giữa tuần sau đó lại phục hồi mạnh cuối tuần.

Tính chung cả tuần, các thương hiệu đều tăng giá: Giá vàng SJC tăng 550 nghìn đồng, vàng Doji tăng 400 nghìn đồng, vàng Rồng Thăng Long tăng 330 nghìn đồng và vàng NPQ tăng 500 nghìn đồng mỗi lượng.

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới tăng tốc đầu phiên sáng nay lên trên 1.910 USD nhưng sau đó đã quay đầu giảm.

Lúc 9h sáng nay, giá vàng thế giới giảm 2,8 USD (0,15%) về 1.897,40 USD/ounce.

Mối đe dọa từ căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu và lo ngại các ngân hàng trung ương sẽ không thể kiềm chế được lạm phát đã đẩy giá vàng lên 1.900 USD/ounce, mức giá cao nhất trong 8 tháng.

Tâm lý tăng giá vững chắc và tăng trên diện rộng có thể sẽ tiếp tục đẩy giá vàng tăng cao hơn trong thời gian tới.

Nhiều nhà phân tích cho biết họ lạc quan khi giá vàng đã phá vỡ các điểm kháng cự kỹ thuật quan trọng nhờ bất ổn thị trường ngày càng tăng khi các ngân hàng trung ương tìm cách thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn thế giới gây ra bất ổn trên thị trường chứng khoán.

img

Giá vàng thế giới tăng tốc đầu phiên sáng nay

Tuy nhiên, Phillip Streible, chiến lược gia trưởng mảng thị trường tại Blue Line Futures, nói rằng giá vàng có thể giảm nếu căng thẳng địa chính trị giảm bớt. Dù vậy, chuyên gia này cũng lưu ý thị trường chứng khoán yếu sẽ hỗ trợ giá vàng trong ngắn hạn.

Colin Cieszynski, chiến lược gia trưởng mảng thị trường tại SIA Wealth Management, cũng cho rằng diễn biến tiếp theo của vàng sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Đông Âu.

Trước đó, kết quả khảo sát diễn biến giá vàng thế giới tuần này của Kitco News cho thấy, tỷ lệ chuyên gia và nhà đầu tư lạc quan đã áp đảo.

Cụ thể, tỷ lệ chuyên gia nhận định giá vàng đi lên tăng mạnh từ 40% lên 72%; Tỷ lệ chuyên gia dự báo giá vàng giảm tiếp tục giảm từ 27% về 22%. Tuần này, tỷ lệ chuyên gia giữ quan điểm trung lập giữ nguyên chỉ còn 5%.

Còn đối với kết quả khảo sát trực tuyến trên thị trường, tỷ lệ nhà đầu tư ủng hộ giá vàng tăng nhích từ 62% lên 65%; Tỷ lệ dự đoán giá vàng giảm là 23%; Còn lại tỷ lệ cho rằng giá vàng đi ngang là 12%.

Giá vàng thế giới đã chốt tuần giao dịch vừa qua tại 1.900,20 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 6/2021.

Tính chung cả tuần, giá vàng thế giới tăng mạnh 2,16%, là tuần tăng giá mạnh nhất trong 9 tháng qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.