Làm báo cùng Giao thông

Giấc mơ về đường sắt tốc độ cao!

16/06/2017, 13:30

Khi Việt Nam sở hữu một hệ thống đường sắt tốc độ cao thì những cái lợi trước mắt vô cùng lớn.

duong-sat

Khi Việt Nam sở hữu một hệ thống đường sắt tốc độ cao thì những cái lợi trước mắt là vô cùng to lớn - Ảnh minh hoạ

Trong lịch sử phát triển của thế giới, đường sắt chiếm một vị trí rất quan trọng và đóng góp rất lớn cho những thành quả phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Hầu hết các cường quốc kinh tế ngày nay đều chú trọng vào việc phát triển hệ thống đường sắt. 

Là quốc gia có chiều dài lớn nhưng chiều ngang lại hẹp, vị trí địa lý và kết cấu tự nhiên của Việt Nam rất phù hợp cho loại hình vận tải đường sắt. Tuy nhiên, con số đóng góp vào tỷ trọng vận tải hành khách quốc gia của ngành đường sắt chưa đến 1% là một con số đầy chua xót, khiến cho ai cũng không khỏi chạnh lòng.

Là loại hình vận tải hành khách an toàn, tiện lợi và nhanh chóng, không tác động nhiều đến môi trường và có lợi thế cạnh tranh rất cao ở cự ly trung bình, lại phù hợp với phân bổ địa lý tự nhiên, đường sắt chắc chắn sẽ là loại hình vận tải phù hợp và mang đến nhiều lợi thế cho nước ta trong bối cảnh hiện tại và cả trong tương lai.

Việc đầu tư một hệ thống đường sắt tốc độ cao theo trục Bắc – Nam mới với khổ đường ray 1.4 mét đảm bảo vận tốc chạy tàu từ 120 – 200km/h vừa vận chuyển hành khách và hàng hóa là một đòi hỏi rất cấp thiết để phát triển kinh tế xã hội.

Bố trí một nguồn vốn khổng lồ (khoảng 50 tỷ USD) trong bối cảnh ngân sách đang rất khó khăn hiện nay là điều không dễ dàng, tuy nhiên nếu phân cấp đầu tư theo từng giai đoạn, khắc phục việc đầu tư dàn trải, tránh đầu tư vào những mục tiêu không ưu tiên, kết hợp với huy động nguồn lực từ xã hội thì đây vẫn là việc chúng ta hoàn toàn có thể làm.

luat-su (1)

Luật sư Nguyễn Danh Huế - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Khi Việt Nam sở hữu một hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hiện đại thì những cái lợi có thể nhìn thấy ngay trước mắt là vô cùng to lớn.

Trước hết là giảm thiểu tai nạn giao thông và tiết kiệm chi phí. Theo báo cáo của VNR, hiện nay có 5.793 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ. Đây là nỗi kinh hoàng về tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng hàng trăm người mỗi năm, thống kê cho thấy 85% số vụ tai nạn đường sắt xảy ra ở nơi giao nhau với đường bộ.

Ngoài ra chi phí để bố trí nhân sự trực tại các điểm giao cắt này cũng là vô cùng lớn. Nếu có một tuyến đường sắt mới loại bỏ được các điểm giao cắt này không những cứu sống được hàng trăm mạng người mỗi năm mà còn tiết kiệm được một nguồn chi phí khổng lồ cho ngành đường sắt góp phần giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh.

Đường sắt tốc độ cao cũng sẽ giảm tải sức ép cho các đô thị lớn. Với vận tốc chạy tàu đạt 200km/h thì từ Hà Nội đi Nam Định chỉ mất 30 phút, đến Thanh Hóa mất 45 phút và đến Vinh chỉ mất 90 phút, nhiều người dân sẵn sàng lựa chọn làm việc ở Hà Nội và sống ở các tỉnh và ngược lại, các nhà đầu tư cũng sẵn sàng đầu tư đi các tỉnh, khi đó sức ép về môi trường, hạ tầng giao thông và nhà ở cho các thành phố lớn sẽ được giảm tải, giá nhà ở và bất động sản sẽ giảm, không gian sống cho người dân tại các đô thị sẽ được cải thiện.

Ngoài ra, còn lợi ích về phát triển du lịch. Từ Hà Nội chỉ mất 60 phút để đến bãi biển Sầm Sơn, 90 phút để đến bãi biển Cửa Lò hay từ Sài Gòn chỉ mất 90 phút để về Phan Thiết tắm biển, cơ hội để thu hút khách đến các địa điểm du lịch sẽ vô cùng lớn, chưa kể đến việc di chuyển nhanh và thuận tiện trong nội địa sẽ góp phần thu hút du khách nước ngoài đến Việt Nam vì họ không bị mất đi thời gian di chuyển trong những kỳ nghỉ ngắn ngủi. Nếu có được một hệ thống được sắt tốc độ cao thì ngành du lịch sẽ có những bước đột phá mới và chắc chắn sẽ đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, đường sắt tốc độ cao sẽ giảm tải cho đường bộ và đường hàng không. Hệ thống đường bộ của nước ta đang quá tải cũng có nguyên nhân rất lớn từ việc không được đường sắt “chia lửa”. Chính vì thế phát triển đường sắt sẽ góp phần giảm tải lưu lượng xe cho đường bộ, kéo dài tuổi thọ của đường và tiết kiệm chi phí sửa chữa và bảo dưỡng đường bộ, giảm tai nạn giao thông đường bộ cũng giảm, tốc độ di chuyển được tăng lên qua đó giảm giá thành vận chuyển, và góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Nhiều người thích thoải mái và thích ngắm cảnh cũng sẽ lựa chọn đường sắt để thay thế cho đường hàng không, qua đó cũng góp phần giảm tải cho các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang quá tải hiện nay.

Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh chiến lược giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng chính phủ cùng với Dự thảo luật đường sắt (sửa đổi) đã được thông qua ở kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV là những cơ sở pháp lý quan trọng để đưa ngành đường sắt phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như hội nhập quốc tế.

Giấc mơ về một hệ thống đường sắt tốc độ cao, hiện đại sẽ không còn xa?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.