Quản lý

Giải cứu tuyến buýt điện đầu tiên ở TP.HCM

23/11/2023, 17:53

Trước nguy cơ "đóng cửa" tuyến buýt điện đầu tiên của TP.HCM, Sở GTVT TP đề xuất UBND TP xem xét, nâng tỷ lệ trợ giá cho tuyến buýt điện D4 lên khoảng 64,8%, thay vì trước đó là 44,1% để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động.

Tuyến D4 là buýt điện đầu tiên trong 5 tuyến được đưa vào thí điểm ở TP.HCM. Ảnh: Duy Anh

Tuyến D4 là buýt điện đầu tiên trong 5 tuyến được đưa vào thí điểm ở TP.HCM. Ảnh: Duy Anh

Sau hơn một năm thí điểm, tuyến buýt điện đầu tiên của TP.HCM (tuyến D4) báo lỗ gần 30 tỷ đồng. Công ty VinBus có khả năng phải xin ngừng hoạt động tuyến buýt điện này vào cuối năm nay. 

Phản hồi vấn đề này tại buổi họp báo chiều 23/11, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết đơn vị đã báo cáo, đề xuất UBND TP xem xét, điều chỉnh tỷ lệ trợ giá phù hợp tương đương tỷ lệ trợ giá bình quân của hệ thống xe buýt (khoảng 64,8%, trước đó là 44,1%).

Việc này nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn và khuyến khích đơn vị quan tâm hoạt động vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh.

Theo kế hoạch, 5 tuyến buýt điện ở TP.HCM sẽ triển khai thí điểm trong vòng 24 tháng (từ thời điểm các tuyến đi vào hoạt động). Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus là đơn vị vận hành các tuyến buýt này.

Hồi tháng 3/2022, tuyến buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn) đi vào hoạt động. 9 tháng đầu năm nay, buýt điện D4 thực hiện 28.842 chuyến, chở 819.875 lượt khách.

Lượng khách bình quân mỗi chuyến buýt điện tăng, tuy nhiên doanh thu vẫn không đủ bù chi phí. Theo Công ty VinBus, nguyên nhân lỗ là vì tỷ lệ trợ giá cho tuyến xe buýt điện D4 hiện quá thấp (44,1%). Mức này chỉ bằng khoảng 2/3 so với tỷ lệ giá của tuyến xe buýt sử dụng diesel, CNG (khí nén thiên nhiên).

Việc này dẫn đến Công ty VinBus thua lỗ nặng. Cụ thể lỗ 16,1 tỷ đồng trong năm 2022, còn 8 tháng đầu năm nay (2023) lỗ 12,5 tỷ đồng. 

Giải cứu tuyến buýt điện đầu tiên ở TP.HCM  - Ảnh 1.

Buýt điện D4 lỗ gần 30 tỷ đồng sau 1,5 năm đưa vào hoạt động. Ảnh: Duy Anh

Vì vậy, VinBus đã đề nghị điều chỉnh tỷ lệ trợ giá cho các tuyến xe buýt điện từ 44,1% lên 64,8%. Mức trợ giá này sẽ bằng tỷ lệ trợ giá bình quân hệ thống các tuyến xe buýt năm 2023.

Nêu trong báo cáo, Vinbus trình bày nếu không được xem xét điều chỉnh và sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho buýt điện, công ty không thể mở tiếp được các tuyến còn lại. Đồng thời Công ty VinBus xin dừng hoạt động của tuyến buýt điện D4 vào cuối năm nay do thua lỗ đã lý giải ở trên. 

Tuyến buýt điện đầu tiên có ký hiệu D4 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn) dài 29km từ TP Thủ Đức đi quận 1 hoạt động từ ngày 8/3. Mức giá 7.000đ/lượt, hoạt động tới 21h hàng ngày.

Ngoài tuyến D4, 4 tuyến còn lại gồm: Vinhome Grand Park - Trung tâm thương mại Emart, dài 27km; Vinhome Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất, 30km; Vinhome Grand Park - bến xe Miền Đông mới, 8,5km; bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia, 10km.

Chủ trương sử dụng xe điện (nhiên liệu sạch) đã được xác định tại Nghị quyết Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, với mục tiêu: Đến năm 2025 TP.HCM là đô thị thông minh; phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Đặc biệt TP phải xây dựng giải pháp đột phá nâng chất lượng vận tải hành khách công cộng, kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, có lộ trình tăng tỷ lệ ô tô điện trên toàn thành phố.

Do đó, Sở GTVT TP.HCM thống nhất đã đề xuất triển khai đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn từ tháng 3 năm 2022.

TP.HCM 'cân não' bài toán giải ngân đầu tư côngTP.HCM "cân não" bài toán giải ngân đầu tư công

TP.HCM đứng trước áp lực lớn khi còn chưa đến 50 ngày để hoàn tất mục tiêu giải ngân 95% của năm 2023.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.