Câu hỏi đặt ra là trong điều kiện ngân sách có hạn, việc huy động số vốn này sẽ được thực hiện thế nào?
Cần đầu tư khoảng 3.800km cao tốc trong 9 năm
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, hiện cả nước đã có gần 1.200km đường cao tốc; đang triển khai đầu tư xây dựng khoảng 800km.
Từ nay đến năm 2030, cả nước sẽ phải xây dựng khoảng 3.800km đường cao tốc để đạt mục tiêu có 5.000km cao tốc (Trong ảnh: Thi công cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu)
Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ phải xây dựng khoảng 3.800km đường cao tốc nữa.
“Trong gần 20 năm chúng ta mới làm được gần 1.200km đường cao tốc. Tính đến năm 2030 chỉ còn có 9 năm để làm 3.800km còn lại. Để có 5.000km cao tốc là cả một khối lượng lớn cần thực hiện trong thời gian lại không nhiều. Thời gian chỉ có 9 năm, nên mức độ huy động vốn, tốc độ xây dựng đường cao tốc sẽ tăng gấp 8 lần”, ông Cường nói.
Để đảm bảo tính linh hoạt, tính mở và sự chủ động trong đầu tư, Quy hoạch cho phép điều chỉnh tiến độ đầu tư các tuyến đường nếu các địa phương nhận thấy nhu cầu cần thiết đầu tư sớm hơn và có thể thu xếp nguồn lực để triển khai thực hiện.
Giải pháp phát triển quỹ đất dọc tuyến đường cũng được tính toán để có thêm nguồn lực tái đầu tư. Khi đường cao tốc đi qua, địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ được chủ động khai thác quỹ đất để phát triển kinh tế xã hội và việc giải phóng mặt bằng cũng sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời, xây dựng cơ chế thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, tạo thêm nguồn lực mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng để tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc khác.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN
Ông Cường cũng cho biết, trong số 735.000 tỷ đồng, sẽ có 400.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Nguồn vốn này bao gồm cả ngân sách của Trung ương và địa phương cùng thực hiện.
Với sự vào cuộc của 63 tỉnh, thành phố sẽ san bớt gánh nặng cho ngân sách Trung ương.
Đây là giải pháp sẽ mang tính khả thi cao. Số còn lại sẽ phải huy động từ nguồn vốn xã hội hóa.
Quy hoạch đã xác định sẽ ưu tiên nguồn vốn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức PPP với vai trò là vốn mồi, đầu tư các dự án không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách, các dự án ở các vùng khó khăn.
Bên cạnh các nguồn vốn truyền thống như PPP, ODA, ngân sách, Quy hoạch cũng đưa ra giải pháp khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền khai thác; các địa phương nghiên cứu, triển khai quy hoạch chi tiết và cơ chế thu từ khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường bộ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ.
“Giai đoạn trước mắt, các cấp có thẩm quyền cần ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng được đầu tư, khai thác các dịch vụ liên quan đến phạm vi của dự án và được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng dài hạn, lãi suất ưu đãi cho đầu tư phát triển”, ông Cường cho biết.
Huy động cách nào?
Các tuyến cao tốc được xây dựng sẽ góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (Trong ảnh: Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45). Ảnh: Tạ Hải
Đề cập đến việc huy động vốn để làm cao tốc, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, các dự án giao thông có thời gian thu hồi vốn kéo dài, ngân hàng hiện nay cân nhắc rất kỹ khi cho vay.
Bên cạnh đó, phương án nhà đầu tư phát hành trái phiếu doanh nghiệp hay lên sàn giao dịch chứng khoán để huy động vốn cũng cần tính tới. Tuy nhiên, vấn đề là các nhà đầu tư đó có đủ độ tin cậy để huy động được vốn hay không.
“Cần có cơ chế nhà đầu tư và ngân hàng cùng góp vốn thực hiện dự án. Bên cạnh đó, cần có chính sách thuế phù hợp để nhà đầu tư có lợi nhuận và giảm bớt rủi ro khi thực hiện dự án”, ông Long nói và cho rằng, nhà đầu tư có thể liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài để huy động vốn. Hiện có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài sẵn sàng tham gia nhưng cần có cơ chế tạo thuận lợi cho họ về quyền lợi, mức độ an toàn.
Theo PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (VARSI), trước hết Nhà nước cần thay đổi thể chế, chính sách, thủ tục hành chính.
Thời gian giải quyết thủ tục hành chính kéo dài sẽ “giết chết” nhiều cơ hội đầu tư, bởi chỉ riêng về thủ tục chủ trương đầu tư đã mất vài năm trời.
Về cơ chế huy động vốn, ông Chủng cho biết, nhiều quốc gia phát triển dùng nguồn vốn ngân sách để đầu tư và chuyển quyền khai thác vận hành cho tư nhân. Nhiều nước đang phát triển phải huy động nguồn lực xã hội, họ sử dụng rất hiệu quả mô hình đối tác công - tư (PPP).
“Việt Nam đã ban hành Luật PPP để huy động nguồn lực xã hội nhưng cần làm sao để hấp dẫn và bình đẳng cho nhà đầu tư. Nguồn lực Nhà nước không thể có hơn 735.000 tỷ đồng để làm cao tốc nên cần áp dụng hiệu quả mô hình này”, ông Chủng nói.
Cũng theo ông Chủng, dù Luật PPP đã được thực thi, nhưng thực tế chưa hấp dẫn các nhà đầu tư thực sự có tiềm lực.
Đầu tiên là phải giải quyết chính sách không bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư, trong hợp đồng phía Nhà nước thường “trên cơ”.
Thứ hai là cơ chế về tài chính, vốn mồi (góp vốn) của Nhà nước tại dự án chia theo tỷ lệ 50 - 50 là chưa hợp lý. Tỷ lệ này chỉ phù hợp ở vùng thuận lợi, có lưu lượng xe lớn, không phù hợp với vùng xa xôi, vùng miền núi.
Bên cạnh đó, cần tránh lối mòn, từ trước đến nay dự án chỉ trông chờ vào nguồn vốn tín dụng và phải có cam kết của ngân hàng. Không có ngân hàng nào muốn làm theo cách huy động ngắn nhưng lại cho vay dài hạn vì tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vì thế, bên cạnh một phần nguồn vốn tín dụng cần có cơ chế khác để huy động vốn như phát hành trái phiếu.
“Thậm chí, có thể học bài học của Hàn Quốc là xây dựng quỹ đầu tư các công trình hạ tầng. Lãi suất cao và linh hoạt của quỹ sẽ dễ huy động nguồn lực, sau đó cho các dự án vay lại”, ông Chủng góp ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận