Ngày 9/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức lễ phát động tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại Cà Mau.
Khoảng 50.000 gia đình ở ĐBSCL thiếu nước sạch
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện còn khoảng 30% trên tổng số 18.000 công trình nước sạch nông thôn hoạt động chưa hiệu quả. ĐBSCL có khoảng 50.000 gia đình thiếu nước sạch và phải sử dụng rất nhiều giải pháp để đảm bảo nước sinh hoạt.
"Những hộ không thể cấp được nước sạch tập trung, địa phương phải có giải pháp cấp nước khác, bằng các bể để tích nước", ông Hiệp nêu giải pháp và mong muốn bà con cùng đầu tư với Nhà nước để khắc phục khó khăn trong tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt.
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có khoảng 4.000 hộ gia đình đang phải dùng các biện pháp khẩn cấp để có nước sạch. UBND tỉnh đã có rất nhiều giải pháp kể cả vận động doanh nghiệp, lực lượng vũ trang để vận chuyển nước sạch cho bà con.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, nước ta còn phải chịu thách thức khi sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung, dẫn đến những câu chuyện quy hoạch và thực hiện không đúng quy hoạch.
"Áp lực về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ngày càng lớn. Nhu cầu cuộc sống cao hơn trước dẫn đến nhu cầu về nước cũng cao hơn. 92% hộ gia đình có nước hợp vệ sinh nhưng tỷ lệ nước đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn thì chỉ có 57%", ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, vẫn còn 43% người dân nông thôn chưa có nước hợp quy chuẩn Quốc gia. Do đó, để đảm bảo bình đẳng trong sử dụng nước, người thành phố hay nông thôn đều phải có nước hợp quy chuẩn.
18.000 công trình nước sạch phải hoạt động đầy đủ và hiệu quả
Ông Hiệp cho rằng, cần phải thống nhất lại nhận thức Việt Nam là một quốc gia thiếu nước, nước không phải vô hạn mà là hữu hạn.
"Tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền tiếp tục đầu tư và hành động cụ thể hướng đến câu chuyện mục tiêu đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là người dân nông thôn đều được tiếp cận một cách bình đẳng và công bằng về nước sạch cũng như môi trường", ông Hiệp nói.
Ông Hiệp khẳng định, Trung ương sẽ cùng các địa phương phối hợp với các nhà đầu tư thực hiện các giải pháp công trình cụ thể.
"Nơi nào cần nối đường ống, nâng cao nhà máy nước sạch, có thể cấp được nước sinh hoạt tập trung thì cung cấp nước sạch tập trung. Đồng thời, đảm bảo 18.000 công trình nước sạch phải hoạt động đầy đủ và hiệu quả", ông Hiệp nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Dự án tăng cường năng lực và mở rộng quy mô triển khai hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Tổ chức FAO tại Việt Nam quyết định kích hoạt gói cứu trợ tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Cà Mau.
Chương trình tập trung vào hoạt động cấp phát tiền mặt cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nâng cao khả năng chống chịu và giảm thiểu tác động bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất.
Theo đó, hơn 1.000 hộ gia đình tại 4 xã (Khánh An, Khánh Thuận của huyện U Minh; Khánh Hưng của huyện Trần Văn Thời; Biển Bạch của huyện Thới Bình) sẽ được hỗ trợ tiền mặt vào hai đợt (lần đầu trong tháng 4/2024 và lần thứ hai trong tháng 5/2024), với tổng số tiền trên 5,4 tỷ đồng. Đối với hộ gia đình có ba nhân khẩu trở lên được hỗ trợ sáu triệu đồng.
Tuần lễ Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện từ ngày 29/4 - 6/5 hàng năm. Năm 2024, Bộ NN&PTNT tổ chức phát động sớm do đang ở trong cao điểm hạn mặn, đặc biệt là ĐBSCL.
Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã đầu tư rất nhiều cho nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đến nay, 92% dân số nông thôn đã có nước sạch hợp vệ sinh. Trong đó, 57% hộ gia đình nước đạt tiêu chuẩn; 96% hộ gia đình ở nông thôn cũng đã có nhà tiêu (trong đó, hơn 80% là nhà tiêu hợp vệ sinh).
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu vẫn là một vấn đề lớn, tạo ra những câu chuyện chúng ta không thể lường trước được, ảnh hưởng trực tiếp đến nông thôn, nhất là nước sạch và vệ sinh môi trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận