Thông tin doanh nghiệp

Giải pháp phát triển giao thông bền vững ở các siêu đô thị

26/12/2015, 11:43

Từ năm 2000 đã có trên 50% dân số thế giới sinh sống ở các thành phố.

dfghjkl;
Tương quan giữa sự tăng trưởng dân số và mức độ sử dụng phương tiện cá nhân (Nguồn: T. R. Lakshmanan, PUBLIC TRANSPORT IN LDCS)

Từ năm 2000 đã có trên 50% dân số thế giới sinh sống ở các thành phố. Gia tăng dân số thành thị đang diễn ra ở tất cả các nước, điều đó khiến cho các siêu đô thị luôn có xu hướng mở rộng hơn nữa. Mặc dù các thành phố chỉ chiếm 2% bề mặt trái đất, nhưng tiêu thụ 75% tổng năng lượng toàn cầu và thải ra khoảng 85% lượng khí thải nhà kính. Do đó, các siêu đô thị trong tương lai cần có cách tiếp cận chiến lược để sử dụng năng lượng hiệu quả và bảo vệ môi trường trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực GTVT.

Các xu thế phát triển và những thách thức trong dài hạn

Nhu cầu đi lại, vận chuyển đang gia tăng bởi một số yếu tố sau: Tăng trưởng dân số và đô thị hóa kéo theo ô tô cá nhân; Tăng thu nhập cá nhân, thay đổi phương pháp sản xuất mới cũng như gia tăng khoảng cách quan hệ thương mại. Sự tăng trưởng dân số và sử dụng xe có một mối tương quan tịnh tiến.

Cơ chế của sự tăng trưởng nhu cầu GTVT chính là mối tương tác giữa hệ thống giao thông và cấu trúc đô thị. Các thành phố thường cố gắng nâng cao năng lực của các hệ thống giao thông để giải quyết ùn tắc và tai nạn trong ngắn hạn. Nhưng việc đó cũng làm gia tăng khoảng cách đi lại, hỗ trợ phát triển sử dụng đất đơn cực với mật độ dân cư thấp. Điều đó có nghĩa là, các loại phương tiện vận tải nhanh hơn sẽ tiêu thụ các nguồn lực (nguyên vật liệu, năng lượng, đất đai,…) nhiều hơn. Hệ quả là, sự mở rộng của hệ thống GTVT, đặc biệt là mạng lưới đường bộ, để cải thiện hiệu quả vận tải trong ngắn hạn làm tăng mức tiêu thụ tài nguyên và gây ra những tác động tiêu cực như gia tăng lượng khí thải nhà kính trong dài hạn.

Cách tiếp cận mới trong xây dựng các giải pháp phát triển bền vững

Trong Dự án nghiên cứu “Tương lai của các siêu đô thị” (do Bộ KH và GD Đức tài trợ) đã khảo sát, nghiên cứu 6 thành phố lớn, gồm: Gauteng (Nam Phi), Tehran-Karaji (Iran), TP HCM (Việt Nam), Hyderabad (Ấn Độ), Heifei và Shenyang (Trung Quốc) vào năm 2011 cho thấy, các TP này đều có tỷ lệ sở hữu phương tiện cá nhân còn thấp, thị phần của vận tải hành khách công cộng tương đối cao, đặc biệt là Tehran, Hyderabad và Gauteng trên 25%. Tuy nhiên, TP HCM có tỷ lệ sở hữu xe gắn máy và ô tô cực kỳ cao, trên 800 xe/1.000 dân, dẫn đến thị phần của giao thông công cộng chỉ đáp ứng dưới 10%.

Tất cả các thành phố này đều phải đối mặt với các vấn đề do phương tiện cá nhân tăng với tốc độ trên 10%/năm, đó là vấn đề tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí và tiếng ồn và TNGT tăng làm giảm chất lượng cuộc sống. Để giải quyết các vấn đề này, các TP đều sử dụng chiến lược mở rộng hạ tầng giao thông, trong đó tập trung vào nâng cấp mở rộng mạng lưới đường bộ nhưng có rất ít sự cải thiện về hạ tầng giao thông công cộng, thiếu sự khuyến khích đi bộ, xe đạp.

Để đạt được một hệ thống GTVT bền vững, cần hạn chế sử dụng ô tô, phát triển các chuyến đi cự ly ngắn. Thiết kế đường phố cần hướng đến các phương thức giao thông chậm là xe đạp và đi bộ. Các thành phố cần phải cung cấp đầy đủ các hệ thống giao thông công cộng với năng lực vận chuyển lớn, giá cả phù hợp và mạng lưới đủ dày để khoảng cách giữa các trạm hoặc các nhà ga dưới 500 m. Để đạt được điều đó cần thực hiện bằng sự kết hợp giữa xe buýt, xe buýt nhanh và hệ thống tàu điện.

Song song với đó, các thành phố cần xem xét bổ sung các loại hình giao thông phi chính thống, dịch vụ vận tải hành khách bán công cộng có tính linh hoạt cao như: Xe ôm, taxi phi chính thống và khuyến khích việc đi chung xe để hỗ trợ cho hệ thống giao thông công cộng. Trong một vài trường hợp, cần có những hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao với giá cả phải chăng để định hình cho sự phát triển không gian đô thị.

Các chính sách mềm như các chiến dịch cung cấp thông tin, thúc đẩy phương tiện giao thông thân thiện môi trường, hạn chế ô tô cá nhân cũng cần được các thành phố quan tâm, xem như một phần tích hợp của các giải pháp vận chuyển trong tương lai.

Tóm tắt Tham luận của TS. Wulf Holger Arndt -

Đại học Kỹ thuật Berlintại Hội thảo quốc tế

“Tương lai của vùng đô thị TP Hồ Chí Minh”.

Hội thảo được tài trợ bởi Cơ quanTrao đổi Hàn lâm Đức - DAAD

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.