Nhờ sở hữu mỏ đá có trữ lượng 10 triệu m3trên diện tích rộng 30ha, Bảo Quân có thế mạnh trong việc cung cấp sản phẩm cát nghiền cho thị trường |
Trước thực trạng nguồn cung khan hiếm khiến giá cát biến động từng ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công và giá thành của các công trình xây dựng, với chủ trương đi đầu tìm loại vật liệu thay thế cát tự nhiên, những năm gần đây, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân đã cho ra đời và đưa vào ứng dụng thành công trong các dự án của mình loại vật liệu mới là cát nghiền - được sản xuất từ đá dùng trong lĩnh vực xây dựng.
Chủ động đón đầu nguồn vật liệu tương lai
Trên thực tế, cát là một loại cốt liệu không thể thiếu cho các công trình xây dựng từ nhỏ đến lớn, nó cũng chiếm một tỷ trọng rất lớn trong xây dựng cơ bản. Cát cũng là một thành phần quan trọng nhất của bê tông, ngoài xi măng, đá, phụ gia…
Trong khi đó, việc các cơ quan chức năng đã siết chặt việc quản lý, khai thác cát, đặc biệt là kiểm soát nạn “cát tặc” ở nhiều địa phương dẫn đến nguồn cung cấp cát cho các công trình xây dựng trở nên khan hiếm, giá cát lên cao đẩy giá thành công trình đội vốn, kéo theo việc phải thay đổi dự toán đầu tư, xin bù trượt giá…
Đón đầu nhu cầu về nguồn vật liệu này ngày một tăng cao, từ tháng 3/2014, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân đã chủ động nhập ngoại dây chuyền sản xuất cát nghiền hệ thống đồng bộ với công suất khoảng 350m3/ngày. Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân cho biết, với ưu thế sở hữu mỏ đá có trữ lượng 10 triệu m³ trên diện tích rộng 30 ha tại tỉnh Vĩnh Phúc, công ty đã có sẵn nguồn nguyên liệu dồi dào, giúp nhà máy luôn chủ động sản xuất ra các sản phẩm cát nghiền nhân tạo với chất lượng, giá thành cạnh tranh nhất.
“Giá thành cát nghiền trên thị trường hiện nay đang cao hơn cát tự nhiên khoảng 5-10%, nhưng nếu sản xuất số lượng lớn, có nguồn nguyên liệu sẵn có, đảm bảo cung ứng từ nguồn nguyên liệu đến sản phẩm đầu ra, Bảo Quân hoàn toàn có thể giảm giá thành sản phẩm ở mức cạnh tranh nhất. Hiện, Bảo Quân sản xuất cát nghiền cho 1 dây chuyền là 300-450m3/ngày, nếu thị trường cần nhu cầu lớn thì Bảo Quân có thể tăng số lượng dây chuyền lên”, ông Việt cho biết.
Những tính năng ưu việt từ cát nghiền
Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng, với những địa bàn, vùng miền thiếu cát tự nhiên trầm trọng, khó vận chuyển thì có thể nói, cát nghiền là một giải pháp tối ưu và khả thi hàng đầu.
Trên thực tế, sản phẩm cát nhân tạo của Bảo Quân đã được Viện Vật liệu (Bộ Xây dựng) giám định chất lượng đạt quy chuẩn 16 TCVN 9205-2012, đồng thời được các chuyên gia trong ngành Xây dựng đánh giá là hạt cát đồng đều hơn cát tự nhiên, không bị lẫn bùn sét, độ sạch của cát nghiền tốt hơn rất nhiều so với cát tự nhiên có thể điều chỉnh mô-đun và tỷ lệ thành phần hạt cho các loại bê tông khác nhau, cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.
Được biết, sau khi cho ra đời loại sản phẩm này, tại các dự án của Công ty Bảo Quân từ năm 2014 đến nay, cát nghiền đã được dùng để phục vụ sản xuất và xây dựng cho các sản phẩm công trình của công ty, thay thế hoàn toàn cát tự nhiên, trong đó có nhóm cát thô được sử dụng chế tạo bê tông và vữa, cát mịn chỉ được chế tạo vữa.
Những sản phẩm bê tông, cát nghiền của Bảo Quân đã làm nên thương hiệu và chất lượng ở những khu nhà ở xã hội Khai Quang, Trường Mầm non Khai Quang (Vĩnh Phúc), tòa nhà văn phòng Tập đoàn Hải Linh (Việt Trì), các dự án cung cấp cấu kiện bê tông cho Tập đoàn Vingroup; nhiều tuyến đường trọng điểm như: Dự án BOT QL2, Dự án đường QL2C, đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh, các tuyến đường liên tỉnh... Các sản phẩm sàn, dầm dự ứng lực, cống tròn, cống vuông, cọc tròn dự ứng lực, gối cống, rãnh vuông, hố ga, gạch block, gạch vỉa hè, dải phân cách, mương nội đồng... của Bảo Quân hiện diện trên nhiều công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi... trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Trần Hoàn, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bê tông Bảo Quân cho biết, sử dụng cát nghiền vào các sản phẩm bê tông của công ty như dầm, sàn, cống… đều cho thấy độ phẳng, màu sáng hơn so với sử dụng cát tự nhiên. Các kết quả kiểm tra cho thấy, sản phẩm sử dụng cát nghiền các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt yêu cầu chất lượng theo thiết kế được duyệt. Không những vậy, với sản phẩm cát nghiền, Bảo Quân còn là doanh nghiệp tiên phong trong việc sử dụng nguyên liệu không gây tác động đến môi trường.
Kỹ sư Nguyễn Bá Kiên, Đội trưởng Đội Thi công đường từ cầu Bì La đến trung tâm thị trấn Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cho hay, theo tính toán của các đơn vị tư vấn thiết kế, so với sử dụng cát tự nhiên có giá hiện tại thì sử dụng cát nghiền giảm chi phí mỗi 1m3 bê tông xi măng khoảng 200 nghìn đồng. Nếu nhân rộng, chi phí xây dựng của dự án xây dựng, giao thông sẽ giảm đáng kể khi sử dụng cát nghiền. Ngoài ra, theo một số chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực vật liệu xây dựng, trong 12 tiêu chí so sánh giữa cát tự nhiên và cát nghiền nhân tạo thì cát nghiền có những ưu điểm vượt trội. Chẳng hạn, ở tiêu chí cường độ chịu nén của bê tông sử dụng cát tự nhiên thấp hơn cát nghiền nhân tạo. Và trong tương lai gần, khi nguồn cát tự nhiên cạn kiệt dần, việc quản lý khai thác được siết chặt, chắc chắn giá cát tự nhiên sẽ còn tăng cao, điều này càng khẳng định tính ưu việt về giá thành của cát nghiền tại các dự án xây dựng.
Tuy nhiên, hiện nay Bảo Quân đang nghiên cứu để sản xuất cát nghiền phục vụ cho công tác sản xuất và xây dựng cho Công ty Bê tông nhằm nâng cao chất lượng cũng như giảm giá thành. Việc cung cấp và bán ra ngoài thị trường còn rất hạn chế. “Hiện thị trường vẫn chưa sử dụng nhiều cát nghiền, vẫn chỉ dừng ở sản xuất cát nghiền đổ bê tông, dù cát nghiền có rất nhiều tính năng ưu việt. Đó một phần vì thói quen thích sử dụng cát tự nhiên đã ăn quá sâu trong suy nghĩ của người dùng”, ông Nguyễn Xuân Việt cho hay.
Trên thế giới, cát nhân tạo đã được dùng để thay thế cho cát tự nhiên là vật liệu phục vụ thi công những công trình chịu tải trọng thay đổi liên tục như: Đường, bến cảng, sân bay; bê tông nhựa macrosell; bê tông đầm lăn sử dụng làm chặt bằng thiết bị rung lèn cho các công trình giao thông, đập thủy điện hay bê tông mác cao. Tại Việt Nam, thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu sử dụng cát cho xây dựng hiện ở mức trên dưới 100 triệu m3/năm. Mức sử dụng sẽ tăng lên 130 triệu m3/năm vào năm 2020. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, nhiều chuyên gia lại nhận định, nhu cầu sử dụng hiện tại đã lên đến 140 - 150 triệu m3/năm và vào năm 2020 sẽ tăng lên 200 triệu m3/năm. Trước đây, nguồn cát chủ yếu khai thác từ tự nhiên. Thế nhưng, do nhu cầu cao và việc quản lý khai thác chưa chặt chẽ, nên dẫn tới nạn khai thác cát bừa bãi dẫn đến lượng cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt, gây ảnh hưởng đến dòng chảy của sông ngòi, gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, gây mất ATGT đường thủy và làm thiệt hại nghiêm trọng cho đời sống người dân… Để chủ động trong hoạt động sản xuất, tháng 10/2016, tại xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân đã chính thức khánh thành, đưa vào vận hành tuyến đường sắt nhánh kết nối Ga Hương Canh và Công ty CP Bê tông Bảo Quân Vĩnh Phúc. Tuyến đường có giá trị đầu tư 15 tỷ đồng, được hoàn thành sau 5 tháng thi công gồm một đường để chạy tàu, một đường để xếp dỡ hàng hóa với chiều dài gần 1.000m. Cùng đó, Bảo Quân cũng bỏ ra 15 tỷ đồng để đầu tư 15 téc chở xi măng rời để vận chuyển xi măng rời và thiết bị khác để phục vụ công tác vận chuyển cho nhà máy. Đây là tuyến đường sắt nhánh đầu tiên được đầu tư xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc nhằm tăng cường năng lực vận chuyển, cung cấp nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra, đồng thời góp phần giảm tải cho vận tải đường bộ. Mặt khác, về lâu dài, khu vực này sẽ phát triển trung tâm vận chuyển logistics của Vĩnh Phúc và các vùng phụ cận. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận