Vì địa bàn xa xôi, mật độ dân số thưa thớt nên một lớp học của trường tiểu học ở Chư Pưh chỉ gần 20 học sinh |
Ngày 13/4, Sở Nội vụ Gia Lai có văn bản gửi báo chí về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Theo đó, thực hiện Kết luận 17- KL/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, tỉnh Gia Lai đang xem xét việc cắt hợp đồng lao động đối với 1.456 giáo viên.
Sở Nội vụ Gia Lai cho biết, theo quy định của Bộ GD&ĐT về định mức giáo viên, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai cần 20.015 giáo viên trong các bậc học giáo dục phổ thông và bậc học mầm non. Sở Nội vụ Gia Lai cũng cho biết toàn tỉnh còn thiếu hơn 2.200 giáo viên.
Mặc dù thiếu giáo viên so với định mức, tỉnh Gia Lai vẫn đang xem xét cắt giảm 1.456 giáo viên hợp đồng trong năm 2018. Trong đó, có 28 giáo viên thuộc thẩm quyền Sở GD&ĐT quản lý, 1.428 giáo viên nằm trong khối THCS và tiểu học do các huyện quản lý.
Bên cạnh việc cắt giáo viên hợp đồng, ông Huỳnh Minh Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai đã ban hành kết luận số 31/ KL-SGDĐT yêu cầu, từ năm học 2018-2019 trở đi, các đơn vị thực hiện nhập lớp, nhập trường, giảm điểm trường; thực hiện xã hội hóa các lớp nhà trẻ, mẫu giáo vùng thuận lợi; chuyển biên chế giáo viên dư thừa từ các cở sở đào tạo, chuyên nghiệp về trường phổ thông.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đậu Sỹ Quốc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai cho biết, ngành giáo dục huyện có hơn 200 giáo viên tại 37 trường học các cấp trên địa bàn phải cắt hợp đồng. Việc cắt hợp đồng đã khiến phòng GD&ĐT phải dồn lớp; tuy nhiên, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, lớp đông nên chất lượng không thể đảm bảo chất lượng như ít lớp ít học sinh. Các giáo viên khác cũng phải tăng tiết để đảm bảo việc dạy học cho học sinh. “Nhưng sẽ rất mệt mỏi vì không thể buổi sáng dạy 5 tiết, buổi chiều cũng dạy 5 tiết được” - ông Quốc lo lắng.
Trước vấn đề ồ ạt cắt hợp đồng của tỉnh Gia Lai, mới đây, tại cuộc họp báo quý I/2018 nhiều cơ quan báo chí cũng bày tỏ quan ngại đối với việc việc cắt hợp đồng giáo viên làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc dạy và học của giáo viên trong toàn tỉnh. Nhà báo Nguyễn Anh Sơn, Báo Quân đội nhân dân thông tin về tình hình thực tế qua quá trình tác nghiệp tại địa phương cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp các giáo viên phải dạy liên trường, liên xã để đảm bảo số tiết học theo quy định. Các giáo viên này chủ yếu dạy các môn như nhạc, hoạ, thể dục. Việc cắt giảm giáo viên làm ảnh hưởng lớn tới công tác dạy học ở địa phương vùng khó khăn như đường sá xa xôi; Ảnh hưởng tới việc dạy và học tại các điểm trường tại khu dân cư…
Ông Huỳnh Minh Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, số lượng học sinh trên lớp trung bình ở cấp tiểu học trung bình 25 học sinh/ lớp, đối với học sinh THCS khoảng 35 học sinh/ lớp. Trong khi quy định của Bộ GD&ĐT, đối với cấp tiểu học là 35 học sinh/ lớp, cấp THCS là 45 học sinh/ lớp. Cho nên Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai chỉ đạo dồn lớp để đảm bảo số lượng học sinh theo đúng quy định.
"Việc dồn lớp này hết sức có ý nghĩa, và giải được bài toán đang thiếu giáo viên trên toàn tỉnh", ông Thuận nói.
Trước câu hỏi, việc cắt giảm ồ ạt hàng ngàn giáo viên trong khi tỉnh đang thiếu định mức giáo viên, nhiều học sinh ở vùng sâu vùng xa đi lại sẽ khó khăn khi sáp nhập trường, liệu có hợp lý?, ông Thuận nói chung chung: “Ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đang tiến hành rà soát trong ngành để có giải pháp đảm bảo việc dạy và học”. Câu nói này được ông Thuận nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi phóng viên đặt vấn đề về việc trên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận