Y tế

Giảm nguy cơ tử vong cho nạn nhân TNGT cách nào?

19/11/2023, 09:58

Nhóm nghiên cứu bệnh viện đa khoa Đống Đa khuyến nghị nên tăng cường mạng lưới cộng tác viên và cộng đồng trong việc cấp cứu ngoại viện cho nạn nhân tai nạn giao thông.

Cấp cứu trước viện đặc biệt quan trọng với nạn nhân TNGT

Tại Hội nghị An toàn giao thông năm 2023, nhóm nghiên cứu đến từ bệnh viện đa khoa Đống Đa đã chia sẻ về thực trạng cấp cứu chấn thương trước viện tại Hà Nội qua các trường hợp chấn thương được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Đống Đa năm 2022.

Cấp cứu trước viện giảm nguy cơ tử vong cho nạn nhân TNGT - Ảnh 1.

Cấp cứu trước viện, đặc biệt cấp cứu chăm sóc chấn thương nặng sẽ góp phần giảm nguy cơ biến chứng và tử vong cho nạn nhân TNGT (ảnh: FAS Angle).

Qua nghiên cứu trong số 236 trường hợp tai nạn thương tích được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Đống Đa trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2022 (không phân biệt giới tính, tuổi tác) bao gồm cả các ca nặng và tử vong, cho thấy 97% mức độ chấn thương nhẹ (khoảng 97%), vết thương ở chi và khung chậu có tỷ lệ cao nhất (43,1%).

Tuy nhiên, số bệnh nhân không được sơ cứu trước khi đến bệnh viện chiếm tới 71,6%, người sơ cứu chủ yếu là người đi cùng (65,7%).

Vận chuyển nạn nhân bằng xe cứu thương chỉ chiếm 1,7%, thời gian chờ xe tới trung bình từ 4,54 - 7,68 phút.

Bệnh nhân được sơ cứu đến bước đánh giá nhanh tổn thương hệ thần kinh chiếm tỷ lệ lớn nhất với 59,7%, có 34,3% bệnh nhân được sơ cứu đến bước E (lộ toàn thân).

Ngoài ra, rửa vết thương và băng bó là hai kỹ thuật được sử dụng nhiều (chiếm 28,6%), có 1 trường hợp bệnh nhân cần ép tim (chiếm 1,0%).

Từ đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng: Hầu hết các trường hợp chấn thương bệnh nhân được chăm sóc ban đầu bởi người đi cùng tại hiện trường. Việc vận chuyển bằng xe cứu thương chiếm tỷ lệ thấp có thể tiềm ẩn nguy cơ cao cho bệnh nhân.

Khẳng định cấp cứu trước viện, đặc biệt cấp cứu chăm sóc chấn thương nặng sẽ góp phần giảm nguy cơ biến chứng và tử vong cho nạn nhân, nhóm nghiên cứu bệnh viện đa khoa Đống Đa khuyến nghị nên tăng cường mạng lưới cộng tác viên và cộng đồng trong việc cấp cứu ngoại viện cho nạn nhân.

Cấp cứu trước viện giảm nguy cơ tử vong cho nạn nhân TNGT - Ảnh 2.

Anh Phạm Quốc Việt, người sáng lập Đội FAS Angle trong một buổi tập huấn sơ cấp cứu nạn nhân (ảnh: FAS Angle).

Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel "không bỏ rơi ai cả"

Tại Hà Nội, người dân đã dần quen với bóng dáng những chàng trai, cô gái áo cam mang dòng chữ FAS Angel tất bật, cẩn thận hỗ trợ sơ cứu nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông mỗi ngày.

Họ là thành viên của Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel, mỗi người có ngành nghề, hoàn cảnh, cuộc sống khác nhau nhưng đều cùng thực hiện hành trình giúp đỡ những người gặp nạn trên đường phố với tôn chỉ "Không bỏ rơi ai cả".

FAS Angel được thành lập bởi anh Phạm Quốc Việt (SN 1987, quê ở Nam Định) từ năm 2016, anh cũng là người tích luỹ học hỏi kinh nghiệm sơ cấp cứu nạn nhân để hướng dẫn các thành viên trong Đội. Bên cạnh đó, FAS Angel cũng thường xuyên mời các chuyên gia y tế để tập huấn cho các thành viên, sẵn sàng hỗ trợ người bị nạn mỗi khi gặp trên đường.

Sau 7 năm từ một thành viên cũng chính là người sáng lập, hiện, FAS Angel có gần 130 thành viên trong đó, thành viên chính thức khoảng 30 - 50 người. Trung bình 1 ngày, FAS Angel tiếp nhận 8 -10 vụ tai nạn, đặc biệt trong khung giờ từ 20h45 đến 1h30 sáng.

Tại FAS Angel có tổng cộng 5 ban: Ban kế hoạch, Ban hành chính, Ban hiện trường, Ban vận tải, Ban truyền thông. Mỗi phòng, ban thực hiện mỗi chức năng khác nhau để duy trì hoạt động cũng như hỗ trợ người gặp nạn.

Theo chia sẻ từ thành viên FAS Angle, sau thời gian làm việc hành chính, từ 20h đến 2h sáng mỗi ngày, các thành viên của đội sẽ chia thành 10 vùng, mỗi vùng có khoảng từ 2 đến 3 xe máy, túc trực tại những tuyến đường hay xảy ra tai nạn như đường Vành Đai 2, Cầu Giấy, Đại Cồ Việt, Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Hoàng Cầu, đường Vành Đai 3, Nguyễn Trãi,...

Toàn đội thu thập thông tin, báo vị trí tai nạn qua một nhóm chat chung để kíp trực kịp thời hỗ trợ. Những hình ảnh cũng được cung cấp cho lực lượng chức năng và người nhà nạn nhân để nắm được tình hình.

Đến nay, mỗi năm đội FAS Angel thực hiện hơn 1.000 ca sơ cứu, với khoảng 600 vụ tai nạn giao thông có mức độ khác nhau. 0822.510.627 chính là số hotline của đội, chỉ cần gọi đến số điện thoại này, cộng đồng sẽ được hướng dẫn cách sơ cứu người bị nạn; hoặc chụp ảnh tình trạng của nạn nhân, gửi vị trí để đội có mặt kịp thời, sơ cứu hiệu quả và giúp được nhiều trường hợp hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.