Hà Nội còn 16 điểm lo úng ngập vào mùa mưa bão năm nay - Ảnh: K.Linh |
Ngập trong, ngập ngoài
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, các điểm dễ úng ngập được xác định tại ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, Lê Duẩn, Bến xe phía Nam, Thụy Khuê, Đường Thành – Bát Đàn, Cao Bá Quát, Đội Cấn, Minh Khai, Nguyễn Khuyến, Trường Chinh, Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoa Bằng, Nguyễn Chính, Thanh Đàm, Phạm Văn Đồng.
Ở một số tuyến đường các vùng ven như quận: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy... đều có những điểm úng ngập cục bộ hoặc thoát nước rất chậm. Ngay như ở khu vực phố Trần Bình đoạn trước cổng Bệnh viện 198, hễ mưa kéo dài là ngập khiến các phương tiện di chuyển rất khó khăn. Đoạn đường 70 qua khu vực cổng làng Vạn Phúc, đoạn Phùng Hưng ở phường Phúc La, đoạn đường 36m, khu vực Học viện Bưu chính và phố Ao Sen thuộc phường Mộ Lao, quận Hà Đông đều trong tình trạng ngập úng mỗi khi mưa kéo dài trên 1 giờ đồng hồ.
Anh Đặng Ngọc Đông nhà ở khu Học viện Bưu chính viễn thông ở phường Mộ Lao tỏ ra lo lắng cho biết, mùa mưa năm ngoái khu phố bị ngập úng sâu khoảng 40cm. Cứ hôm nào mưa kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ là kiểu gì cũng ngập.
Theo ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, trên địa bàn còn 16 điểm úng ngập có khả năng gây ùn tắc giao thông. Công ty đã có phương án cụ thể để đối phó với các điểm úng ngập này. Ngoài các điểm trên, còn hai điểm nữa trên Đại lộ Thăng Long cũng có khả năng úng ngập cao là hầm chui qua đường sắt (đoạn qua Thiên đường Bảo Sơn) và hầm chui qua Đại học Tây Nam đã sử dụng trạm bơm chìm nhưng trạm biến áp liên tục có sự cố. Trong trường hợp mưa to mà trạm bơm có sự cố rất dễ ngập.
Xử lý cách nào khi mưa lớn?
Thực tế các điểm úng ngập cục bộ đều đã được các ngành chức năng chủ động phương án đối phó để nước rút nhanh nhất có thể. Tại cuộc họp giao ban báo chí mới đây, ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho rằng, TP hiện vẫn còn tình trạng tập kết rác trên các rãnh vỉa, miệng ga thu, thoát nước. Khi mưa, các túi rác bịt dòng chảy làm giảm khả năng thoát nước. TP cũng còn nhiều công trình thi công làm ảnh hưởng đến dòng chảy trên các tuyến sông, kênh mương.
không để người dân xả thải trực tiếp vào Ga Giáp Bát Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Đình Rậu, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Nội cho biết, mọi năm cứ đến mùa mưa là các đường ray trong ga Giáp Bát bị ngập nặng. Nguyên nhân do mặt bằng ga trũng, thấp hơn cả đường Giải Phóng, đường Đại Từ nên nước dồn vào. Hơn nữa, các hộ dân xung quanh ga cũng xả thải trực tiếp vào ga nên lượng nước khá lớn và bốc mùi hôi thối. Tình trạng ngập úng này khiến ga thiệt hại cả tỷ đồng do bị đình trệ sản xuất, hư hỏng thiết bị đường sắt trong ga... Năm ngoái, sau rất nhiều kiến nghị, cuối cùng UBND phường sở tại cũng đồng ý cho nối đường ống thoát nước từ ga ra đường Đại Từ. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn xả thải trực tiếp vào ga nên có thể không giải quyết được úng ngập nếu mưa. Sắp tới, ga sẽ tiếp tục kiến nghị địa phương phải có phương án thoát nước cho các hộ dân, không thể xả thải vào ga mãi được. T.A |
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chuẩn bị 110 xe hút, téc; 2 xe bơm di động 1.800 m3/h; 25 máy bơm chìm 100-150 m3/h; 13 máy phát điện 5-30 KVA; 1 tổ xe bơm di động 1.000 m3/h, 8 tổ máy bơm di động 200-300 m3/h; hơn 120 ôtô chuyên dùng, máy xúc, xe tải cẩu... sẵn sàng đối phó khi mưa lớn xảy ra. Bên cạnh đó, các trạm bơm cục bộ cũng được huy động bơm nước chống úng ngập tại một số điểm trũng trên các trục đường chính.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cũng cho biết đã đề nghị Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội phối hợp với CSGT, TTGT hướng dẫn người dân di chuyển qua khu vực ngập khi mưa lớn, phấn đấu chậm nhất sau 1,5 giờ sẽ rút hết nước để đảm bảo giao thông.
Đối với các điểm ngập tại các vùng ven, các phương án xử lý cũng đã được lên kế hoạch đầy đủ để sẵn sàng đối phó với mưa ngập. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó chủ tịch UBND phường Mộ Lao, Q Hà Đông khẳng định mùa mưa năm nay trên địa bàn phường sẽ không còn điểm úng ngập. Tất cả các điểm úng ngập năm ngoái, đến nay đã được giải quyết dứt điểm.
“Điểm ngập úng khu tập thể Học viện Bưu chính viễn thông, phố Ao Sen, hệ thống thoát nước chưa được đấu nối khu đô thị Mỗ Lao tuyến đường 36m... đã từng ngập úng kéo dài, nhưng năm nay đã được xử lý triệt để”, ông Tuấn khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch UBND phường Phúc La cho biết, địa bàn phường trũng nên cũng thường xuyên bị ngập, nhất là khu vực đường Phùng Hưng, khu phố 7... Đến nay, sau nhiều giải pháp đấu nối thoát nước, các khu vực này đã giảm bớt được tình trạng úng ngập.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận