Sau khi xảy ra một số ồn ào tại các trạm thu phí trên cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, Trạm thu phí Dầu Giây, dư luận hồ nghi về tính minh bạch trong doanh thu của các dự án BOT.
Trong khi đó, dự án thu phí tự động không dừng (ETC) được kỳ vọng sẽ đem lại sự minh bạch kiểm soát tốt doanh thu nhưng dù triển khai đã hơn 3 năm, vẫn chưa được hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân có nhiều, nhưng lớn nhất là lợi ích các bên chưa đảm bảo hài hòa, tài trợ vốn cho các dự án BOT đến từ nghiều ngân hàng nhưng doanh thu từ ETC lại chỉ đổ về một ngân hàng. Các ngân hàng không chấp thuận cơ chế này nên dẫn vướng mắc trong ký kết hợp đồng giữa nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC.
Hay như câu chuyện chủ doanh nghiệp vận tải phải nộp một số tiền lớn vào tài khoản mà không được trả lãi. Dư luận hoài nghi không muốn minh bạch thu phí, nhưng tôi cho rằng việc này cần xem xét từ hai chiều. Chính bản thân chủ phương tiện cũng không muốn sử dụng dịch vụ. Đến thời điểm này, cả nước có khoảng 3 triệu xe ô tô nhưng tỷ lệ dán thẻ thu phí không dừng mới chỉ đạt khoảng 30%, trong số này tỷ lệ người nạp tiền sử dụng cũng chỉ chiếm trên 10%.
Công dụng của thu phí không dừng có lẽ ai cũng đã nhìn nhận rõ, thu phí không dừng giúp thời gian xe chạy qua trạm nhanh hơn, giảm ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ các thành phố lớn. Bên cạnh đó, tạo sự thoải mái cho chủ phương tiện do không phải dừng lại mua vé. Ở các nước phát triển họ đã bỏ trạm thu phí, xe lưu thông qua cổng long môn và sẽ bị trừ tiền thẳng vào tài khoản. Lộ trình thu phí không dừng đang được triển khai tại Việt Nam cũng đi theo hướng này. Việc này đem lại lợi ích cho người điều khiển phương tiện, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Nhà đầu tư không phải nuôi đội ngũ nhân lực duy trì trạm. Khi có thu phí không dừng nhà đầu tư BOT không mất tiền in vé và doanh nghiệp vận tải không phải mệt mỏi cho khi phải lưu trữ vé để quyết toán thuế.
Một trong những lợi ích của thu phí không dừng là giúp cho minh bạch doanh thu thu phí BOT. Câu chuyện ở đây là không chỉ có một nhà đầu tư BOT quản lý trạm thu phí mà ít nhất đã có 2 chủ thể tham gia vào quá trình thu phí. Tuy nhiên, tôi cho rằng nó không phải là “cây đũa thần” hay “chìa khóa vạn năng” để giải quyết vấn đề này.
Cần hiểu rõ vai trò, lợi ích của ETC ở mức độ nào đó vì mỗi bài toán đều có công nghệ cụ thể. Có thể chưa cần đến thu phí không dừng mà vẫn kiểm soát được doanh thu ví dụ như hệ thống camera đếm xe phân loại, được công khai trên bảng điện tử và số liệu truyền về cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ đảm bảo công khai, minh bạch. Việc giám sát đảm bảo tính minh bạch và thu phí không dừng là hai vấn đề độc lập.
Công nghệ không phải là đóng vai trò quyết định, vấn đề ở đây là tính quy trình thủ tục thực hiện. Mọi bài toán mà công nghệ giải quyết có xuất phát điểm từ yêu cầu thực tiễn. Ngay cả khi không ứng dụng công nghệ thông tin hay công nghệ cao cũng đều phải có quy trình thực hiện. Bài toán công nghệ chỉ là yêu cầu cuối cùng. Vai trò của công nghệ chỉ góp phần đẩy nhanh năng suất, tiến độ và chính xác, để giải quyết yêu cầu thực tiễn cần một bài toán tổng thể, đó là quy trình quản lý được đặt ra bởi các cấp quản lý, các tổ chức cá nhân tham gia vào quá trình này cần được quy định trách nhiệm rõ ràng.
Chủ trương lắp hệ thống giám sát độc lập của Tổng cục Đường bộ VN hoàn toàn hợp lý vì sẽ có thêm kênh giám sát trực tuyến theo thời gian thực. Thu phí không dừng cũng là kênh độc lập với nhà đầu tư BOT nên họ sẽ phải thu đúng, thu đủ, việc thêm kênh giám sát độc lập của Tổng cục Đường bộ VN sẽ hạn chế tối đa gian lận, khắc phục được tình trạng hiện nay chỉ có một mình chủ đầu tư BOT quản lý vận hành trạm nên sẽ không tránh khỏi phát sinh tiêu cực ở một hoặc vài khâu nào đó. Tôi cho rằng, nếu việc này được triển khai sớm hơn sẽ không xảy ra việc hồ nghi gian lận thu phí BOT trong dư luận thời gian qua.
Sự việc tại trạm thu phí cao tốc Sài Gòn - Trung Lương của Công ty Yên Khánh cũng là do nhà đầu tư BOT “một mình một ngựa”, “vừa đánh trống vừa thổi kèn” nên họ có thể can thiệp được vào phần mềm thu phí. Khi có hệ thống này gần như không phải đi thanh, kiểm tra, hay kiểm tra thu phí của nhà đầu tư trên giấy tờ. Hệ thống đếm độc lập với số liệu công khai minh bạch này là cơ sở quan trọng để đối sánh doanh thu thu phí với báo cáo của nhà đầu tư BOT. Nếu có thêm kênh giám sát trực tuyến được kết nối dữ liệu nữa về cơ quan quản lý nhà nước là Tổng cục Đường bộ VN, càng tăng thêm tính minh bạch vì có 3 bên cùng giám sát quá trình thu phí. Chúng ta cũng không cần phải chờ đến khi vận hành thu phí không dừng mà có thể kiểm soát ngay được doanh thu thu phí của nhà đầu tư BOT.
Chuyện dọc đường
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận