Xã hội

Giám sát phòng dịch bằng vòng tay điện tử có khả thi?

12/05/2021, 10:00

Việc dùng thiết bị thông minh đã được tính đến khi công tác giám sát cách ly, kiểm soát chuyên gia nước ngoài nhập cảnh phức tạp, còn lỗ hổng.

img

Giám sát, theo dõi đối tượng cách ly và sau cách ly còn lỏng lẻo tại địa phương chính là nguồn cơn bùng phát dịch Covid-19 vừa qua. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Việc giám sát phòng dịch đối với đội ngũ chuyên gia nước ngoài nhập cảnh rất phức tạp, trong khi công tác tiếp nhận và giám sát y tế người hoàn thành cách ly tập trung đang khá lỏng lẻo. Việc sử dụng thiết bị thông minh để giám sát đã được tính đến.

Lo chi phí cao, xâm phạm quyền riêng tư

Kết quả phân tích một số trường hợp phát bệnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung và lây nhiễm cho cộng đồng, cho thấy, công tác bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành cách ly tập trung, sau đó theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú rất lỏng lẻo. Đây chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát trở lại như hiện nay.

Điển hình là BN 2899 tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam sau khi về phải theo dõi, giám sát y tế tại nhà đã gặp gỡ, tiếp xúc, tổ chức ăn uống với nhiều người. Hay ca bệnh là chuyên gia Trung Quốc sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại Yên Bái đã di chuyển đến rất nhiều địa phương.

Tại cuộc họp mới đây, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã “đặt hàng” các đơn vị công nghệ thông tin nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể để triển khai vòng tay điện tử giám sát chuyên gia, lao động nước ngoài; giải pháp giám sát điện tử đối với người Việt Nam; tổ chức giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để phân loại nguy cơ dịch bệnh đối với từng địa phương.

Theo ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối ngành hàng viễn thông di động hệ thống FPT Shop, hiện trên thị trường đang bán khá nhiều sản phẩm đồng hồ và dây đeo thông minh có giá từ vài triệu tới vài chục triệu đồng. Các sản phẩm này hỗ trợ việc luyện tập thể thao từ đơn giản như đếm bước chân, số calo đã đốt đến phức tạp như chạy bộ đường dài, đạp xe, bơi…

“Các thiết bị này thường cũng có tích hợp GPS để đo độ dài vận động hay bản đồ di chuyển, tuy nhiên thường dừng ở mức độ theo dõi chính cá nhân người sở hữu thiết bị với tài khoản cá nhân. Theo ý hiểu của chúng tôi giải pháp vòng tay thông minh đề cập ở trên là những vòng tay chuyên dụng, được gắn cố định, đảm bảo luôn theo người được đeo và có thể theo dõi nhiều thiết bị cùng một lúc về thời gian, địa điểm di chuyển và có thể phải được cấp phép. Do vậy các đơn vị kinh doanh chưa bán trên thị trường”, ông Kha nói.

Tương tự, chuyên gia công nghệ thông tin Nguyễn Hồng Phúc cho hay, ý tưởng đeo vòng tay điện tử giám sát phòng dịch khó khả thi ở Việt Nam.

Trước hết, giá nhập thiết bị khá đắt. “Với đối tượng nhập cảnh đông như thời gian qua thì nguồn ngân sách liệu có đảm bảo trong khi vẫn phải chi cho các hoạt động phòng dịch khác? Chưa hết, ngay cả khi triển khai đeo vòng tay điện tử giám sát, thì tổ chức nào sẽ đứng ra thực hiện, quyền lợi cá nhân được bảo đảm ra sao?”, ông Phúc đặt vấn đề.

Đề xuất công nghệ Việt, giảm chi phí tối đa

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Trần Việt Hải, Phó giám đốc phụ trách mảng cứng của Công ty CP BKAV, thành viên trong đội chuyên gia công nghệ của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong các đối tượng thuộc diện giám sát quản lý phòng dịch, đội ngũ chuyên gia nước ngoài nhập cảnh là phức tạp và khó khăn nhất bởi không có dữ liệu dân cư. Chính vì vậy Ban chỉ đạo đang nghiên cứu và cân nhắc song song các giải pháp quản lý.

Mỗi thiết bị đều có những ưu, nhược điểm riêng. Theo đánh giá ban đầu, giải pháp đeo thiết bị điện tử thích hợp nhất đối với người nước ngoài nhập cảnh. Hai giải pháp còn lại phù hợp đối với người trong nước thuộc diện cách ly và giám sát sau cách ly. Cũng có ý kiến đặt ra vấn đề liên quan quyền bảo đảm thông tin đời tư, tuy nhiên theo Luật Phòng chống dịch bệnh, việc quản lý giám sát hành trình cá nhân hoàn toàn có thể được sử dụng trong những trường hợp cần thiết.
Ông Trần Việt Hải, Phó giám đốc Công ty CP BKAV

Cụ thể, thiết bị đeo điện tử có định vị GPS để kiểm tra quá trình di chuyển của đối tượng thuộc diện giám sát là một giải pháp. Theo đó, thiết bị này được thiết kế tương tự thiết bị giám sát hành trình, song được “cán mỏng” dưới dạng đồng hồ đeo tay, với chi phí được các đơn vị sản xuất trong nước dự kiến khoảng 30 - 40USD/chiếc.

“Trong thời gian chịu giám sát phòng dịch, người đeo thiết bị chỉ được phép di chuyển trong vùng cho phép, nếu vượt quá giới hạn sẽ nhận tín hiệu cảnh báo nhắc nhở. Trong trường hợp không đeo, tín hiệu sẽ thông báo về chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý”, ông Hải nói và tiết lộ, trong vòng 1 tháng tới sẽ cho ra sản phẩm mẫu. Nếu khả thi sẽ sản xuất hàng loạt đưa ra thị trường ngay trong tháng tiếp theo.

Thứ hai, đó là giải pháp cài đặt ứng dụng nhận diện khuôn mặt (EKYC) có cài sẵn định vị vào smartphone của người đang trong thời gian giám sát phòng dịch bệnh.

“Nguyên lý hoạt động của EKYC có chức năng quét hình mặt người sử dụng, tránh trường hợp đối tượng đang bị giám sát cho người khác cầm điện thoại của mình. Cứ khoảng 2 - 3 tiếng lại phải quét nhận diện 1 lần, nếu không thực hiện sẽ có tín hiệu cảnh báo, nhắc nhở…”, ông Hải nói.

Thứ ba là giải pháp sử dụng vòng giấy có gắn mã QR để quét định vị trên điện thoại. Đây là loại giấy đặc biệt để không tháo ra được, chỉ có thể dùng kéo cắt.

Đáng nói, chi phí cho vòng giấy này chỉ tốn vài nghìn đồng, hơn nữa giúp người bình thường nhận diện đây là đối tượng đang cách ly giám sát y tế. “Hong Kong đang sử dụng biện pháp này và được đánh giá khá hiệu quả. Trong trường hợp tự ý cắt bỏ vòng sẽ bị xử phạt rất nặng”, ông Hải thông tin.

Theo ông Trần Việt Hải, hiện các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ để thực hiện các giải pháp trên với chi phí được tiết giảm tối đa. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp, thay đổi từng ngày nên việc sử dụng giải pháp quản lý nào vẫn chưa được thống nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.