Ngày 26/11, Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam và Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc giáo dục sớm phát triển năng lực trẻ em trong những đầu đời - Lý luận và thực tiễn.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người chia sẻ: Trong thực tế, quá trình chăm sóc và giáo dục từ xưa đến nay có nhiều quan điểm chưa đồng nhất. Nhiều người cho rằng “trời sinh voi, trời sinh cỏ” hoặc chỉ chú ý đến việc nuôi trẻ sao cho lớn, khỏe, khi trẻ lên 3, lên 6 mới cho trẻ đi học. Ngược lại một số lại muốn trẻ em cần được giáo dục sớm để có thể trở thành “thần đồng”, hay “thiên tài”. Những quan điểm này hoàn toàn lệch lạc.
Ông Kỳ Anh cho biết thêm, gần đây, có nhiều bậc cha mẹ đã quan tâm đến việc giáo dục trẻ từ sớm ngay từ khi bà mẹ mang bầu đến khi trẻ 6 tuổi theo các triết lý và phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước có nền giáo dục hiện đại mà họ tiếp thu được. Tuy nhiên, điều này cũng chưa hoàn toàn đúng, mà ngoài ứng dụng của quốc tế, mô hình giáo dục sớm những năm đầu đời còn cần phù hợp với nền văn hóa Việt Nam.
Việc giáo dục sớm có thể bắt đầu từ thai giáo, khi người mẹ mang bầu cần được chăm lo chu đáo, thai nhi cũng được chăm sóc qua hành động vỗ về, thủ thỉ, tiếp cận âm nhạc từ cha mẹ; Khi trẻ ra đời cha mẹ giáo dục sớm trẻ qua việc tương tác, kích thích đa giác quan cho trẻ…. 1.000 ngày đầu đời được đánh giá là giai đoạn vàng để giáo dục sớm hiệu quả.
“Mục tiêu của giáo dục sớm không nhằm nhồi nhét kiến thức mà giáo dục góp phần kích hoạt được các năng lực thiên bẩm của trẻ, nhằm khai mở tiềm năng, phát triển năng lực của trẻ trong những năm đầu đời, hình thành nền tảng tốt đẹp cho cả đời người. Tố chất cơ bản giáo dục sớm cho trẻ chính là sức khỏe tốt, đầu óc linh hoạt, sáng tạo; Có niềm đam mê hứng thú; Tính cách tốt; Biết yêu thương và giao tiếp; Phát triển ngôn ngữ; Yêu thiên nhiên và những sự vật tốt đẹp…”, ông Kỳ Anh nhấn mạnh.
Đánh giá cao giá trị giáo dục sớm cho trẻ, PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non cũng nhận định, thực tế dù chương trình mầm non của Việt Nam hiện hành có chăm sóc và giáo dục trẻ từ 3 tháng tuổi – 6 tuổi nhưng vẫn có nhiều rào cản cho việc giáo dục sớm ở Việt Nam.
Đó là chưa có nhận thức phù hợp về tầm quan trọng phát triển “1.000 ngày đầu đời” và giáo dục sớm cho trẻ; cũng như trách nhiệm của cha mẹ, cộng đồng xã hội đối với giáo dục sớm cho trẻ. Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ giáo dục sớm ở gia đình và cộng đồng chưa đầy đủ. Và hơn cả để thực hiện giáo dục sớm cho trẻ thì đối tượng cần đào tạo kỹ năng, kiến thức chính là cha mẹ, giáo viên mầm non vẫn còn bỏ ngỏ….
Trong 10 năm qua Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao công nghệ giáo dục sớm, tư vấn, tham gia đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến và ứng dụng tri thức khoa học nhằm giáo dục phát triển toàn diện tiềm năng, tố chất con người về thể lực, trí lực và tinh thần cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Do đó, đến nay giáo dục sớm đã trở thành trào lưu sâu rộng trong cộng đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận