“Hiện tượng mạng” Khá Bảnh là chủ đề hot trên mạng xã hội suốt những ngày vừa qua, từ lúc chàng thanh niên này được học sinh chào đón, hâm mộ nồng nhiệt tới khi anh chàng bị bắt để điều tra tội tổ chức đánh bạc trái phép. Không ai có thể hiểu tại sao một người như Khá Bảnh - gã thanh niên từng phải đi trại giáo dưỡng, rồi nổi tiếng với những clip về tình anh em giang hồ lại được nhiều người trẻ hâm mộ đến vậy.
Dễ thấy, Khá Bảnh sở hữu kênh Youtube với hàng triệu lượt theo dõi. Các phim ngắn về giang hồ của thanh niên này luôn có vài triệu lượt xem. Khá Bảnh còn từng tham gia bộ phim Chạm mặt giang hồ của đạo diễn Đức Thịnh. Có lẽ đây là một phần trong những lý do khiến nam thanh niên này được mến mộ đến thế.
Mới đây, diễn viên “Cu Thóc” Huỳnh Tuấn Anh bị bắt vì nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy. Cu Thóc là gương mặt quen thuộc trong nhiều bộ phim hài, MV ca nhạc, gây ấn tượng với khán giả bởi ngoại hình đặc biệt nhưng luôn cố gắng với niềm đam mê nghệ thuật.
Cu Thóc cũng sở hữu kênh Youtube hơn 2 triệu lượt theo dõi, lịch diễn kín mít như các ngôi sao hạng A. Khi bị bắt, Cu Thóc vẫn khẳng định mình là nghệ sĩ nên rất quan tâm và giữ về vấn đề hình ảnh, “không bao giờ có chuyện ngồi ở đấy chơi ma tuý”. Anh cho rằng, mình bị gài uống chất kích thích.
Có thể thấy, Khá Bảnh, Cu Thóc hay những nhân vật như Bà Tưng, Tùng Sơn… đều là những “thần tượng” bước ra từ mạng xã hội. Họ nổi tiếng và dường như mục đích chính là nhắm tới tiền bạc có được từ những lượt theo dõi “khủng” mà bỏ qua những yếu tố về văn hóa, thẩm mỹ nghệ thuật, đạo đức và những điều tốt đẹp tuyên truyền cho người xem. Giới trẻ có thể học được gì từ những “hiện tượng mạng” này khi thần tượng họ? Đánh bạc, giang hồ, chửi bậy, ma túy hay sự lố lăng, phản cảm?
Với nền giáo dục của Việt Nam hiện tại, giới trẻ chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về văn hóa, thẩm mỹ, kiến thức xã hội. Và lẽ thường, họ thường rất hâm mộ những nhân vật nổi tiếng và khác người như lời nhận định của chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa: “Những điều mới lạ, những hành vi khác biệt luôn có sức hấp dẫn hơn, đặc biệt với những người ở độ tuổi chưa phân biệt được cái tốt, cái xấu”.
Chính sự ngây thơ và ngu ngơ ấy đã tạo đà cho những kẻ muốn trục lợi bằng những điều đi trái thẩm mỹ xã hội được đi lên. Thậm chí, ngay những người trong nghề, những bầu show còn mời những nhân vật ấy đóng phim, quay quảng cáo, chơi gameshow… Chính sự tiếp tay ấy, cộng thêm hiểu biết chưa đầy đủ của những bạn trẻ là động lực để sản sinh ra những “thần tượng” kiểu mới đi ngược chuẩn mực đạo đức xã hội như thế này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận