Bóng đá

Giàu kếch xù các ngôi sao bóng đá vẫn trốn thuế

20/01/2023, 06:00

Tại sao những ngôi sao vốn sở hữu khối tài sản kếch xù lại trốn thuế, để rồi ảnh hưởng tới danh tiếng của mình?

Trong thế giới bóng đá, cầu thủ trốn thuế không phải là câu chuyện mới. Nhưng có điều khó hiểu là tại sao những ngôi sao vốn sở hữu khối tài sản kếch xù lại trốn thuế, để rồi ảnh hưởng tới danh tiếng của mình?

Nhiều ngôi sao vào tầm ngắm

img

HLV Jose Mourinho từng bị xử tù treo vì trốn thuế

Theo thông tin tờ Mirror đăng tải, Cơ quan Thuế và Hải quan Anh (HMRC) đang điều tra vụ việc có tới 329 cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp tại Anh trốn thuế, trong đó có nhiều ngôi sao đang thi đấu tại Ngoại hạng Anh - giải đấu cao nhất xứ sương mù.

Cũng theo Mirror, do số lượng hồ sơ quá lớn nên HMRC cần nhiều thời gian để xem xét kỹ lưỡng. Cùng đó, có 31 CLB, 91 người đại diện cũng nằm trong danh sách nghi vấn.

Theo điều tra ban đầu, thu nhập của cầu thủ sẽ gồm hai phần chính là lương và tiền bản quyền hình ảnh. Lương chịu mức thuế cao lên tới 45% ở Anh, còn bản quyền hình ảnh được chuyển cho công ty quản lý hoặc người đại diện của cầu thủ, chỉ chịu thuế 19%, thậm chí thấp hơn ở nhiều quốc gia. Đây cũng là mánh khóe phổ biến để giới cầu thủ trốn thuế.

“HMRC coi bóng đá là một ngành công nghiệp mà hàng triệu bảng tiền thuế có thể dễ dàng không được thanh toán. Chúng tôi quyết tâm không để điều đó xảy ra”, đại diện Cơ quan Thuế và Hải quan Anh tuyên bố.

Thực tế, số liệu từ The Sun cho hay, HMRC đã thu được 560 triệu bảng tiền thuế bổ sung liên quan đến bóng đá trong bảy năm qua. Năm 2021, 93 cầu thủ bóng đá, 9 câu lạc bộ và 23 người đại diện đã bị điều tra về gần 56 triệu bảng tiền thuế chưa nộp.

Nhưng đáng nói, danh tính của các cá nhân trốn thuế tại Anh không được công bố và họ cũng không bị phán xử giống như ở Tây Ban Nha.

Trốn thuế giống như “một loại dịch bệnh”

img

Messi và cha khi hầu tòa vì trốn thuế

Xứ sở bò tót được ví như là thiên đường trốn thuế của giới cầu thủ. Rất nhiều ngôi sao nổi tiếng đã và đang chơi bóng tại đây từng vướng vào những vụ án liên quan tới thuế. Đình đám nhất phải kể tới bộ ba Lionel Messi, Cristiano Ronaldo và Neymar. Ngoài ra, còn có Iker Casillas, James Rodriguez, Gerard Pique, Javier Mascherano, Marcelo, Di Maria, Luka Modric… Ngay cả HLV Jose Mourinho cũng bị cáo buộc trốn thuế trong thời gian dẫn dắt Real Madrid.

Đa phần trong số này đều bị cơ quan thuế tại Tây Ban Nha truy tố, phải hầu tòa và nhận án tù. Dù vậy, luật pháp Tây Ban Nha quy định, những án tù dưới 2 năm đều có thể nộp tiền bảo lãnh và chỉ bị quản thúc. Nhờ vậy, Messi hay Ronaldo vẫn tiếp tục được chơi bóng.

Đương nhiên, không chỉ tại Anh hay Tây Ban Nha mà rất nhiều cầu thủ đang thi đấu ở nhiều quốc gia khác tại châu Âu cũng thực hiện hành vi trốn thuế. Hồi tháng 4 vừa qua, John Carew - một trong những cựu danh thủ nổi tiếng nhất Na Uy đã bị truy tố vì trốn thuế với số tiền khoảng hơn 500 nghìn USD. Trong quá khứ, đã có tới 35 CLB tại Italia vướng vào vụ án trốn thuế lớn chưa từng có trong lịch sử bóng đá hình chiếc ủng.

Nhà báo Hà Lan Merijn Rengers, người điều tra vấn đề trốn thuế trong bóng đá cho Tổ chức Hợp tác Điều tra châu Âu cho rằng, trốn thuế giống như một loại dịch bệnh nguy hiểm, có thể phá hủy sự cân bằng của bóng đá trong tương lai.

“Dường như khung pháp lý về thuế ở châu Âu còn quá nhiều lỗ hổng. Nhờ đó, một số CLB và các ngôi sao bóng đá đã tìm cách chuyển tiền một cách có hệ thống, có tổ chức ra công ty sân sau ở quốc gia vốn có mức thuế thấp như Thụy Sĩ, Ireland, Virgin hay đặc biệt là Panama”, Merijn nói.

Tất cả là do… người đại diện?

img

Ronaldo từng hầu tòa vì trốn thuế

Câu hỏi đặt ra là tại sao giới cầu thủ, những người vốn có thu nhập cao, sở hữu nhiều tài sản kếch xù lại muốn trốn thuế khiến hình ảnh cá nhân bị hoen ố? Nhà báo Merijn Rengers cho rằng, dù có thu nhập rất đáng kể, nhưng nhiều cầu thủ bóng đá không nhận được lời khuyên đúng đắn liên quan đến trách nhiệm nộp thuế, nhất là với các cầu thủ trẻ.

Nghiêm trọng hơn, nhiều cầu thủ trẻ thậm chí còn không quan tâm người đại diện đang làm gì với tiền của mình và phải gánh chịu hậu quả.

Đồng quan điểm, Alex Cobham, Giám đốc điều hành Mạng lưới tư pháp thuế có trụ sở tại Anh đánh giá, nguyên nhân chính khiến cầu thủ bóng đá trốn thuế xuất phát từ việc họ chọn người quản lý không đủ năng lực minh bạch hóa các hoạt động tài chính, chẳng hạn như bạn bè thời ấu thơ, các thành viên trong gia đình hay những người có xu hướng hành động vì lợi ích cá nhân.

“Ở nhóm thứ 2, người quản lý thường thiết lập các cấu trúc tài chính bí mật để vận hành che giấu số tiền phụ trội mà thân thủ kiếm được từ bản quyền hình ảnh. Tất nhiên, một phần trong số này sẽ chảy vào túi riêng của họ, điều sẽ không thể xảy ra nếu cầu thủ nhận toàn bộ phần thu nhập từ CLB. Các cầu thủ chỉ quan tâm tới chơi bóng và dần dần trở thành con gà đẻ trứng vàng cho người đại diện.

Còn ở nhóm 1, sự tham lam, thiếu hiểu biết của người thân đã khiến cầu thủ trả giá. Rõ ràng nhất là trường hợp của Neymar hay Messi, hai cầu thủ có cha là người đại diện và đều gặp rắc rối pháp lý liên quan tới thuế. Cha Neymar được cho là đạo diễn chính trong phi vụ chuyển nhượng con trai từ Santos sang Barcelona với mức giá bèo khiến đội bóng Brazil chịu tổn thất lớn”, Alex Cobham phân tích.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế David S. Lesperance lại chỉ ra rằng, vai trò các CLB trong những phi vụ trốn thuế của cầu thủ là điều không thể bàn cãi: “Tôi dám khẳng định các CLB bóng đá tiếp tay cho cầu thủ trốn thuế bởi họ là bên chi trả các khoản lương, thưởng, bản quyền hình ảnh. Bằng cách nào đó, họ phù phép để phần thu nhập chịu thuế của cầu thủ sẽ ở mức thấp nhấp. CLB làm vậy vì muốn đem lại lợi ích trực tiếp tới cầu thủ, khiến cầu thủ nỗ lực hơn trên sân cỏ”.

Tuy vậy, cũng theo chuyên gia Lesperance, sẽ không công bằng nếu nói cầu thủ vô can trong những thương vụ trốn thuế từng bị phanh phui: “Với cầu thủ trẻ, nhận thức về trách nhiệm công dân chưa rõ ràng nhưng với những ngôi sao hàng đầu, chẳng ai tin họ không biết mình đang làm gì”.

Dưới góc nhìn khác, Andrew Campbell, cựu chuyên viên cấp cao của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ chia sẻ, trốn thuế cũng là một kiểu cạnh tranh giữa các cầu thủ. “Bóng đá vốn có tính cạnh tranh cao, những cầu thủ hàng đầu luôn ganh đua với nhau.

Nghe thì thật nực cười nhưng khi một cầu thủ trốn thuế trót lọt thì sẽ có nhiều cầu thủ khác thực hiện hành vi tương tự bởi không muốn thua kém đối thủ. Đó là cách lý giải phù hợp nhất cho việc cả Ronaldo lẫn Messi đều bị buộc tội trốn thuế khi còn chơi bóng ở Tây Ban Nha”, Andrew đánh giá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.