Báo Giao thông vừa qua đã có hai bài viết về vấn đề nhiều người lao động đã đóng hàng chục triệu đồng cho Công ty TNHH Phát Triển Nhân Lực Lá Đỏ (Công ty Lá Đỏ, TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhưng không thể đi sang Nhật Bản làm việc, tiền cũng không đòi lại được, nhiều người bị mất các loại giấy tờ bản gốc.
Nhiều dấu hiệu bất thường
Trong quá trình tiếp cận hồ sơ vụ việc, phóng viên còn phát hiện có nhiều loại giấy tờ mà Công ty Lá Đỏ cung cấp cho người lao động liên quan đến việc đi xuất khẩu lao động có dấu hiệu bất thường. Theo đó, một số học viên có mã số trình cục Nhật bản (gọi tắt là trình cục) lúc xin và lúc được cấp là 2 mã khác nhau, một số hợp đồng ngoại (hợp đồng ký với doanh nghiệp tại Nhật Bản) ký theo kiểu “râu ông nọ cấm cằm bà kia”.
Mã trình cục của chị Võ Thị Ngọc Diễm có 2 mã khác nhau. Lúc nộp hồ sơ xin là mã N20 – 5092379 nhưng trong thông báo rớt tư cách lưu trú là mã N21-11489. Ảnh: Quang Phương.
Giấy trình cục Nhật Bản (hay còn gọi mã số trình cục) là giấy xác nhận hồ sơ xin tư cách lưu trú (COE) tại Cục. Trên phiếu sẽ có mã số xác nhận, mỗi người sẽ sở hữu một mã số để có thể tra cứu tình trạng xét duyệt xin tư cách.
Theo tài liệu, chị Võ Thị Ngọc Diễm, đã đóng hơn 68 triệu đồng cho Công ty Lá Đỏ. Mã số trình cục của chị mà Công ty Lá Đỏ đã nộp ngày 7/12/2020 chỉ có 1 mã của cá nhân chị Diễm là số: N20 - 5092379. Tuy nhiên, trong thông báo rớt tư cách lưu trú (ngày 11/3/2021) danh sách lên đến 10 người, mã số từ N21-30153 đến N21 - 30162, chị Diễm có mã số N21-11489.
Hồ sơ của chị Diễm thể hiện: Công ty phía Nhật Bản ký hợp đồng ngoại với chị có tên là Công ty CP Sanakku tại tỉnh Gunma. Tuy nhiên trong thông báo rớt tư cách lưu trú là tên một công ty khác: Công ty Tokumaru Denko.
Tương tự, chị Ngô Thị Minh Hợi, người đã đóng hơn 67 triệu đồng cho Công ty Lá Đỏ, cho rằng: Căn cứ vào mã số trình cục ngày 7/12/2020 mà Công ty Lá Đỏ đã nộp thì danh sách chỉ có 2 người, tôi có mã số N20-808607. Tuy nhiên, khi nhận được thông báo rớt tư cách lưu trú có tới 10 người trong danh sách, mã số lại N21 - 30153 đến N21-30162. Mã số chị Hợi là N21 -11492.
Chị Hợi cho biết, công ty ký hợp đồng với chị có tên là Ooheiseisakusho tại tỉnh Osaka, nhưng khi có thông báo rớt tư cách lưu trú thì lại có tên một công ty khác là Công ty Tokumaru Denko.
Đối tác tạo nguồn, học viên đứng trước Công ty Lá Đỏ yêu cầu trả lại tiền. Ảnh: Quang Phương.
Trong khi đó, anh Huỳnh Văn Tài, cũng đã đóng hơn 68 triệu đồng cho Công ty Lá Đỏ cũng tỏ ra nghi ngờ về những giấy tờ mà Công ty Lá Đỏ cung cấp cho anh liên quan đến việc đi XKLĐ.
Theo hồ sơ, ngày 26/3/2020, Công ty Lá Đỏ có văn bản thông báo: Anh Tài đã trúng tuyển đơn hàng đi XKLĐ tại Nhật Bản, địa điểm làm việc tại tỉnh Osaka, công việc điều khiển máy, kiểm tra - lắp ráp linh kiện điện tử. “Thế nhưng khi ký hợp đồng ngoại thì lại ký với 1 công ty ở tỉnh Gunma, điều này làm tôi nghi ngờ về tính xác thực của Giấy mã trình cục mà Công ty Lá Đỏ đã cung cấp cho tôi”, anh cho hay.
Công ty Lá Đỏ chuyển địa điểm, nghỉ tết!
Trong những ngày gần đây, nhiều học viên và đối tác tạo nguồn của Công ty Lá Đỏ khá bất ngờ khi nhận được thông báo chuyển địa điểm và nghỉ Tết do Giám đốc Công ty Lá Đỏ gửi.
Theo đó, ngày 14/1 bà Lê Thị Cẩm Tú, Giám đốc đã ra thông báo về việc Công ty Lá Đỏ thay đổi địa điểm, duy trì hoạt động chờ giải quyết hồ sơ. Theo đó, Công ty Lá Đỏ thông báo từ ngày 17/1 sẽ trả mặt bằng tại địa chỉ 9/9, đường số 14, phường Bình Trưng Tây, TP.Thủ Đức. Công ty sẽ chuyển đến địa điểm 57-59 Hà Huy Tập, phường Tân Phong, quận 7. Lý do là hết kinh phí thuê mặt bằng và nhân viên làm việc sau 3 tháng duy trì hoạt động nhưng hoàn toàn không kinh doanh được.
Thông báo cũng nêu rõ, địa điểm mới 57-59 Hà Huy Tập (Q.7) công ty chỉ duy trì hoạt động chờ đến khi có phán quyết từ phía tòa án về vụ việc kiện tụng đối tác và có hướng giải quyết cuối cùng cho các học viên hiện chưa giải quyết xong.
Cũng trong cùng ngày 14/1, bà Lê Thị Cẩm Tú tiếp tục ra thông báo về lịch nghỉ Tết nguyên đán 2022. Theo đó, công ty bắt đầu nghỉ tết từ 17/1 đến hết 10/2 (nhằm mồng mười âm lịch).
Một đối tác tạo nguồn cho Công ty Lá Đỏ bức xúc: “Chúng tôi không rõ bà Tú đang có ý đồ gì? Tiền của học viên thì không đòi lại được. Nhiều học viên phải vay tiền ngân hàng để đóng, hàng tháng họ vẫn phải trả lãi vay. Giờ thì bà thông báo chuyển địa điểm, rồi nghỉ Tết. Nghỉ Tết nghĩa là bà đâu có làm việc ở văn phòng đâu mà để chúng tôi đến đòi tiền. Chúng tôi phải đón Tết trong nợ nần”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận