Đường bộ

Giới hạn tốc độ xe buýt để nâng cao an toàn cho hành khách

14/06/2022, 06:00

Xe buýt không có dây đai an toàn tại ghế ngồi và việc hành khách phải đứng tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT nhất là khi di chuyển liên tỉnh.

Nhiều bất cập trong quy định về tốc độ lưu thông của xe buýt

Vụ TNGT xảy ra trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngày 5/5 vừa qua giữa xe buýt BKS 29B-620.74 do tài xế Nguyễn Đình Luật (SN 1978, trú tại xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hoà, Hà Nội) điều khiển và xe máy BKS 20B2-170.73 khiến nam thanh niên đi xe máy tử vong tại chỗ, đến nay vẫn khiến những hành khách trên xe buýt bàng hoàng.

img

Xe buýt có chỗ đứng, hành khách chỉ được bám vào thanh vịn cầm tay tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xe phanh gấp gặp sự cố hay va chạm giao thông. Ảnh minh hoạ

Một sinh viên đang theo học tại trường Đại học Hà Nội (đường Nguyễn Trãi) là hành khách trên chuyến xe buýt kể lại: Thời điểm xảy ra tai nạn, tôi ngồi nghe nhạc, lim dim ngủ sau khi kết thúc buổi học sáng, bất ngờ cả người lao về phía trước, đập mạnh vào thành ghế phía trên do xe buýt phanh đột ngột.

Sau khi trấn tĩnh lại, hành khách trên xe ai nấy đều hoảng hồn khi nhận ra chiếc xe buýt đã va chạm với một xe máy khiến người này bất tỉnh, tử vong.

“Phụ xe sau đó hướng dẫn mọi người xuống xe và chờ xe buýt khác đến đón để tiếp tục hành trình. Thời điểm ấy vì quá sửng sốt nên quên mất phần tay và ngực đang bị đau do va chạm bất ngờ vào ghế phía trước, đến khi về tới nhà mới nhận ra vết bầm đỏ”, sinh viên này cho biết thêm.

Em Phạm Nhật Anh, sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Em thường xuyên đi xe buýt đến trường. Nhiều hôm tan trường vào giờ cao điểm, không còn chỗ ngồi, phải đứng chen chúc nhau, thậm chí còn hết cả tay nắm để bám vào nên mỗi lần xe buýt phanh vào điểm đón hay dừng đèn đỏ là cả xe đổ nhào dúi dụi về phía trước, rất nguy hiểm.

Đối với các tuyến buýt liên tỉnh được di chuyển trên quốc lộ, cao tốc như tuyến buýt Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Hưng Yên, Hà Nội - TP Vĩnh Yên... với tốc độ cao hơn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT hơn nữa.

TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, hiện nay rất ít các tuyến xe buýt hoạt động trên đường cao tốc vì đặc điểm của xe buýt phải dừng dọc đường để đón trả khách và đây là hành vi bị cấm trên cao tốc.

Nếu xe buýt không được dừng đón, trả khách dọc đường về cơ bản sẽ giống với vận tải hành khách theo tuyến cố định (nội tỉnh hoặc liên tỉnh).

“Quy định về tốc độ, đặc biệt mức tốc độ thấp chắc chắn sẽ gây phản ứng từ các đối tượng bị tác động. Theo tôi, trước hết cần phải làm rõ đặc điểm và khái niệm tuyến buýt, có lẽ nên dựa vào việc có hay không có chỗ đứng. Sau đó tăng cường giáo dục tuyên truyền. Không nên cấp phép đại trà cho xe buýt chạy cao tốc, ngoại trừ các tuyến đặc thù kết nối sân bay hay các điểm du lịch lớn" - TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT.

“Tuy nhiên, loại hình buýt sân bay phục vụ nhu cầu chính giữa sân bay và khu vực trung tâm chạy qua cao tốc cũng có những lợi thế là tạo ra sự kết nối nhanh, kịp thời giữa trung tâm và sân bay”, TS Hiếu cho hay.

Theo GS. TS Từ Sỹ Sùa, Đại học GTVT, hiện nay phân loại phương tiện xe buýt ở Việt Nam với bus ở nước ngoài có nhiều điểm khác nhau. Trên thế giới, bus được quan niệm là xe từ 12 chỗ trở lên, chỉ hoạt động trong thành phố hoặc xa nhất là ngoại thành, không được lưu thông trên cao tốc.

Nhưng ở Việt Nam, xe buýt theo khái niệm là xe trên 17 chỗ và phải có chỗ bám cho hành khách đứng, có buýt trong đô thị, buýt liên tỉnh và buýt quốc tế.

Nhiều tuyến buýt liền kề (liên tỉnh) như Hà Nội - Bắc Giang phải đi qua cả tỉnh trung gian là Bắc Ninh, xuất hiện tình trạng đón, trả khách trên cao tốc, di chuyển với tốc độ lên tới 80km/h tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

“Xe buýt không có dây an toàn rủi ro vốn rất cao, hành khách lại phải đứng chỉ với thanh vịn, trường hợp xảy ra sự cố, xe phanh gấp hoặc xảy ra va chạm, TNGT sẽ để lại hậu quả lớn cho hành khách”, GS. TS Sùa nhấn mạnh.

img

Hiện trường vụ TNGT giữa xe buýt và xe máy khiến một người tử vong và nhiều hành khách trên xe buýt bàng hoàng

Giới hạn tốc độ xe buýt để đảm bảo an toàn

Theo TS. Hiếu, đặc điểm của xe buýt được thiết kế chủ yếu chạy trong đô thị ở tốc độ thấp và trung bình. Do đó các thiết bị bảo vệ như dây đai bảo hiểm cho ghế ngồi không có và khách đứng chỉ có tay nắm.

“Để đảm bảo an toàn cho hành khách, nên giới hạn tốc độ của loại phương tiện này thấp hơn các loại phương tiện chở khách khác trên các tuyến đường ngoài đô thị. Hiện nay, tại Việt Nam, mới chỉ quy định giới hạn tốc độ cho xe buýt trong đô thị và ngoài đô thị, trừ cao tốc nên về cơ bản xe buýt không bị hạn chế hoạt động trên cao tốc và hoàn toàn có thể chạy được đến 120km/h, rất nguy hiểm”, TS Hiếu nói.

Đồng thời cho biết, tại một số quốc gia như Pháp và Đức cho phép xe bus có chỗ đứng hoạt động trên cao tốc nhưng ở mức tốc độ thấp hơn so với xe khách thông thường. Đơn cử như tại Pháp trên các tuyến đường ngoài đô thị (quốc lộ hay đường tỉnh) hoặc cao tốc xe khách được chạy 90 km/h trong khi xe bus có chỗ đứng chỉ tối đa là 70 km/h.

Tại Đức giới hạn cho xe bus cũng thấp hơn 20 km/h so với xe khách thông thường. Theo đó, giới hạn cho xe buýt có chỗ đứng chỉ 60km/h.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho hành khách trên xe buýt, TS Hiếu cũng đề xuất nên giới hạn phạm vi hoạt động của xe buýt phù hợp với tính năng của loại phương tiện này.

Cụ thể, trong khu vực đô thị và ngoại thành, không nên cho chạy kết nối giữa các tỉnh vì khi đó tốc độ cho phép hoạt động cao và có tình trạng cạnh tranh với xe tuyến cố định.

Đồng quan điểm, GS. TS Sùa cho rằng Việt Nam cần học kinh nghiệm của các nước khác, chỉ nên cho xe buýt hoạt động ở khu vực nội thành hoặc giới hạn xa nhất là ngoại thành, không nên vươn ra các tỉnh.

Đồng thời, xác định luồng tuyến cho xe buýt một cách hợp lý, tránh trùng với các tuyến xe khách nội tỉnh, liên tỉnh tạo điều kiện cho phát triển vận tải bằng xe buýt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.