QL48 đoạn qua TX Thái Hòa, Nghệ An |
Xây dựng tuyến đường kiểu mẫu
Những ngày giữa tháng 6, chúng tôi có dịp được đi cùng đoàn cán bộ Ban QLDA Vốn sự nghiệp kinh tế giao thông Nghệ An đi kiểm tra hiện trường dọc 2 tuyến QL15 và QL48. Trong chuyến đi lần này có Phó giám đốc Ban - Phan Hải Châu và kỹ sư Phan Văn Tý - Phó giám đốc Công ty CP QL&XD Cầu đường Nghệ An. Trao đổi với PV, ông Phan Hải Châu cho biết: QL15A và QL48 là 2 trong nhiều con đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được đầu tư, sửa chữa nhờ nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo trì đường bộ. Hiện, Sở đang xây dựng 2 tuyến đường này trở thành tuyến đường kiểu mẫu của Nghệ An trong công tác quản lý và duy tu đường bộ.
Để có những đoạn đường thoáng đẹp, êm thuận như QL15, QL48 như bây giờ, ngoài việc đầu tư sửa chữa định kỳ, mỗi ngày gần trăm kỹ sư, công nhân của 2 đơn vị quản lý tuyến là Công ty CP QL&XD Cầu đường Nghệ An và Công ty CP QL&XD Giao thông thủy bộ Nghệ An phải thường xuyên bám tuyến, làm công tác vệ sinh mặt đường, phát quang lề rãnh.
Hiện nay, Sở GTVT Nghệ An đang thực hiện quản lý, bảo trì 41 tuyến đường bộ, trong đó 7 tuyến QL dài 940,5km, 34 tuyến đường tỉnh dài 749,7km. Vượt lên những khó khăn về nguồn vốn, cũng như thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên một số tuyến đường chưa đáp ứng được yêu cầu… nhưng được sự quan tâm của Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN, lãnh đạo Sở GTVT nên giao thông trên các tuyến đi lại đều an toàn, thông suốt, phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh. |
Là người đã ngót 30 năm trong nghề quản lý giao thông, kỹ sư Phan Văn Tý cho biết: “Cái nghề quản lý, duy tu, sửa chữa đường của chúng tôi chẳng khác nào những người làm nghề thẩm mỹ. Làm tốt thì con đường êm thuận, sạch đẹp, tuổi thọ cao. Làm không tốt thì đường xuống cấp, tuổi thọ giảm”.
Vì lẽ đó, trên mỗi tuyến đơn vị quản lý, Công ty CP QL&XD Cầu đường Nghệ An đều thành lập các hạt khu vực, trong các hạt có các trạm tuần kiểm. Mỗi hạt, mỗi trạm đều được trang bị đầy đủ công cụ, thiết bị phục vụ công việc, đảm bảo sự chủ động trong duy tu. Đặc biệt khi có sự cố phát sinh trên tuyến, đội ngũ tuần kiểm và công nhân hạt có thể tự sửa chữa. Ngoài ra, đơn vị cũng chủ động thực hiện chặt chẽ các tiêu chí giám sát, nghiệm thu công tác bảo dưỡng thường xuyên các tuyến quốc lộ theo hình thức chấm điểm, các tuyến tỉnh lộ theo khối lượng và chất lượng thực hiện. Đây đều là những quy chuẩn mới được Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN đưa ra áp dụng.
Nhờ cách quản lý chặt chẽ, đúng quy chuẩn mà chất lượng mặt đường, cũng như tuổi thọ các tuyến đường được nâng lên rõ rệt. Riêng, 2 tuyến QL15 và QL48, dù đều có tuổi thọ khai thác tới gần 20 năm nhưng mặt đường trên tuyến vẫn rất bằng phẳng, êm thuận, không có ổ gà. Hệ thống biển báo, cọc tiêu cắm theo đúng tiêu chuẩn, được quét sơn, ve sáng loáng. Lề đường, mương thoát nước được vét, dọn sạch sẽ, thông quang.
Anh Nguyễn Văn An, một người dân trú ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương chia sẻ: Mỗi lần có công việc phải đi Vinh, tôi thường lưu thông theo QL15. Trước đây, nhiều đoạn bị xuống cấp, ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì lầy lội, đi lại rất vất vả. Mới đây, Nhà nước đã đầu tư, sửa chữa, đi lại cũng thấy thuận tiện và an toàn.
Ứng tiền nhà đi... vá đường
Phó giám đốc Phan Hải Châu thông tin: Trong năm 2016, T.Ư và địa phương đã dành 248 tỷ đồng để quản lý, bảo trì gần 1.700km đường quốc lộ và tỉnh lộ trên địa bàn Nghệ An. Trong đó, kinh phí bảo dưỡng thường xuyên 7 tuyến quốc lộ ủy thác là 24,9 tỷ đồng (bình quân 25 triệu đồng/km/năm), 34 tuyến đường tỉnh là 16,5 tỷ đồng, còn lại là kinh phí sửa chữa định kỳ. Hiện, đã có 11 công trình trên các tuyến quốc lộ được cải tạo, nâng cấp, làm mới, 10 công trình đường tỉnh được sửa chữa định kỳ. Còn khoảng 80km đường tỉnh trong tình trạng xuống cấp phải chờ nguồn vốn đầu tư, sửa chữa từ ngân sách.
Cũng vì nguồn vốn phục vụ công tác quản lý, bảo trì đường bộ còn hạn chế, chưa kể những vấn đề thường xuyên phát sinh trên các tuyến đã qua nhiều năm khai thác. Những người kỹ sư, công nhân duy tu phải vận dụng nhiều cách để giữ cho giao thông thông suốt, giữ cho những tuyến đường êm thuận, an toàn.
Kỹ sư Tý kể: Trong số 330km đường đơn vị được giao và trúng thầu quản lý, tuyến QL48 được xem là cung đường “nóng” về xe tải nặng và hư hỏng mặt đường. Đặc thù của tuyến chạy qua nhiều khu vực mỏ đá, mỏ đất, mỗi ngày có hàng nghìn lượt phương tiện lưu thông. Vì thế, chỉ cần đơn vị quản lý đường thiếu quan tâm trong một thời gian ngắn là sẽ phát sinh ổ gà, ổ voi, khi sửa chữa đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn.
Hiểu được điều này, trong những năm qua, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với lực lượng chưc năng để xử lý tận gốc tình trạng xe quá tải, quá khổ, thì việc giữ cho giao thông thông suốt, an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu. Nhiều lúc đường có sự cố, chính các kỹ sư, công nhân duy tu phải ứng cả tiền nhà ra khắc phục trước, rồi làm thanh quyết toán sau.
“Vào tháng 6/2016, tại Km 75+300 QL48 (đoạn qua địa phận huyện Quỳ Châu) có khoảng 250m đường bị xe tải trọng lớn quần thảo làm phát sinh cao su. Mặc dù chưa được duyệt kinh phí nhưng đơn vị đã chủ động báo cáo Tổng cục ĐBVN, Sở GTVT Nghệ An rồi tự bỏ tiền sửa chữa trước. Sau khi được cho chủ trương, lập tức máy móc, công nhân được huy động để xử lý cao su rồi láng nhựa. Phải hơn một tháng sau, khi đoàn của Tổng cục đi kiểm tra thì đơn vị mới được làm nghiệm thu và quyết toán. Nghĩ lại nếu lúc đó, chúng tôi không sửa ngay thì mặt đường đoạn đó giờ đã hư hỏng hết, chỉ có nước bóc đi làm lại”, kỹ sư Tý nêu ví dụ.
Ngày nắng đã khó nhọc, ngày mưa bão càng vất vả hơn, những người kỹ sư, công nhân quản lý tuyến phải lăn mình trong mưa bão để giữ cho giao thông trên các tuyến đường được thông suốt, an toàn. “Năm 2015, trận mưa lịch sử tháng 10 khiến nhiều đoạn tuyến trên QL16 (đường Tây Nghệ An) rơi vào tình trạng chia cắt do sạt lở. Công ty phải huy động 100% kỹ sư, công nhân cùng máy móc thiết bị thông tuyến. Có những công nhân nhà bị lốc xoáy, nước ngập, đồ đạc chưa di chuyển được nhưng vẫn phải lên đường đi làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông”, anh Tý nói thêm.
Áp dụng cơ giới hóa, công nghệ vào thi công, quản lý
Ngoài sử dụng nguồn kinh phí bảo trì có hiệu quả, các đơn vị quản lý đường bộ còn tăng cường áp dụng cơ giới hóa để tăng hiệu quả của công tác duy tu, bảo dưỡng đường. Hiện, hầu hết các đơn vị đều đã có trạm trộn bê tông nhựa, dây chuyền thảm, có máy xúc, máy gạt lề... máy xay đá để giảm thiểu lao động thủ công khi sửa đường.
Đặc biệt, từ năm 2016, Sở GTVT Nghệ An đã cho áp dụng rộng rãi phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) Govone vào công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và xử lý nhanh các sự cố trên tuyến. Có thể nói, việc áp dụng CNTT, cụ thể phần mềm Govone được xem là “chìa khóa” để ngành GTVT Nghệ An tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả quản lý kết cấu hạ tầng giao thông.
Nếu như trước đây, phải mất 3 - 4 ngày, thông tin từ hiện trường mới được chuyển đến các bộ phận chức năng. Sau đó, lại thêm từng ấy thời gian, đơn vị mới nhận được các chỉ đạo khắc phục. Thì nay, với ứng dụng phần mềm Govone, chỉ với chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng được kết nối mạng, các công nhân tuần đường có thể chụp ảnh, quay video rồi gửi lên hệ thống. Lập tức, thông tin sẽ được chuyển đến lãnh đạo sở và các bộ phận chuyên môn. Chỉ trong vòng 5 - 10 phút, những hỏng hóc của đường, cầu, cống hay những phát sinh trên đường sẽ được lãnh đạo sở chỉ đạo xử lý.
Tính ưu việt của việc áp dụng phần mềm này là những hình ảnh, video từ hiện trường sẽ được chuyển đến nhiều người cùng một lúc. “Nếu như dùng mail thì phải chuyển tiếp hay gõ mail gửi từng người. Govone tạo được thông tin hai chiều, từ dưới lên và công tác chỉ đạo từ trên xuống một cách chính xác; Đáp ứng yêu cầu xử lý nhanh, tính chính xác, thông tin được lưu trữ an toàn, khoa học, dễ tra cứu, để có thể chủ động trong việc theo dõi tiến độ thực hiện công việc, nâng cao chất lượng nghiệp vụ của đơn vị quản lý”, Phó giám đốc Phan Hải Châu cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận