Thời sự Quốc tế

Giữa chiến sự, quân đội Nga đăng video cùng Ukraine gác nhà máy Chernobyl

27/02/2022, 18:00

Ngày 26/2, Bộ Quốc phòng Nga đăng video cho thấy binh sĩ Nga và Ukraine phối hợp canh gác tại nhà máy năng lượng hạt nhân Chernobyl.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, lính nhảy dù Nga đã đạt thỏa thuận với lực lượng canh gác nhà máy Chernobyl của Vệ binh Quốc gia Ukraine. Theo đó, quân đội Nga và Ukraine đã hợp tác làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại các cơ sở thuộc nhà máy.

Đoạn video dài 2 phút do Bộ Quốc phòng Nga đăng tải cho thấy một toán binh sĩ mang súng trường đi tuần tại khu vực bên ngoài nhà máy.

Ngoài ra còn có sự xuất hiện của hai người đàn ông tại một phòng làm việc, trong đó có một người mang trang phục có in quốc kỳ Ukraine, đang thảo luận về camera an ninh và theo dõi hoạt động bên trong khu vực nhà máy.

img

Hình ảnh từ video được Bộ Quốc phòng Nga đăng tải cho thấy lính Nga và Ukraine cùng theo dõi camera giám sát nhà máy Chernobyl

Đoạn video còn xuất hiện cảnh một người đàn ông được cho là quân nhân Nga đang nói về việc nồng độ phóng xạ trong môi trường xung quanh nhà máy (được đo 6 lần/ngày) và tình hình đang trong tầm kiểm soát. Một số người khác, dường như là nhân viên tại nhà máy và quân nhân, đang làm nhiệm vụ đo mức phóng xạ trong khu vực.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết các nhân viên nhà máy đang làm việc bình thường và nồng độ phóng xạ trong khu vực vẫn ở mức an toàn.

Ngày 25/2, quân đội Nga xác nhận đã giành quyền kiểm soát khu vực nhà máy hạt nhân Chernobyl.

img

Nhà máy năng lượng hạt nhân Chernobyl. Ảnh - AFP

Sau khi quân đội Nga chiếm giữ, cơ quan hạt nhân Ukraine và Bộ Nội vụ Ukraine thông báo ghi nhận mức phóng xạ tăng cao tại khu vực xung quanh nhà máy hạt nhân Chernobyl.

Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của sự việc này chưa được làm rõ, nhưng có thể do hoạt động di chuyển của các phương tiện quân sự hạng nặng trong khu vực dẫn tới bụi phóng xạ phát tán nhiều hơn trong không khí.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết mức phóng xạ trong khu vực chưa tới mức có thể gây nguy hiểm cho người dân.

Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho rằng điều quan trọng để đảm bảo an toàn của các cơ sở hạt nhân trong khu vực là hoạt động vận hành không bị can thiệp hoặc tác động.

Nhà máy hạt nhân Chernobyl cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 100km, là nơi xảy ra một trong những thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới năm 1986.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.