Thời điểm “siêu lợi nhuận” nhưng không còn lợn bán
Số lợn bị tiêu hủy của Hưng Yên chiếm khoảng 31% tổng đàn. Tới nay, ước tính Hưng Yên vẫn còn khoảng 400.000 đầu lợn; ngoài ra còn số lượng lớn thịt nhập theo container từ nước ngoài chuyển về phục vụ các bếp ăn công nghiệp; lượng gia cầm cũng đã lên tới 10 triệu con.
Nguồn cung so với nhu cầu thực phẩm của người dân trên địa bàn không hề thiếu. “Vậy mà không hiểu sao giá lợn tăng cao tới mức doanh nghiệp chế biến xúc xích đóng tại Hưng Yên như: Nipponham (Nhật Bản) hay Đức Việt, trong mấy ngày nay phải tạm dừng nhập thịt”, ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên cho hay.
Trung tuần tháng 11, PV Báo Giao thông có dịp quay trở lại xã Đông Đảo, nơi từng là “tâm” ổ dịch tả lợn châu Phi của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Dọc theo con đường chạy qua các thôn Đông Tảo Đông, Đông Kim, Thống Nhất…, không còn cảnh hàng đàn lợn lũ lượt bị đem đi tiêu hủy, các chốt kiểm dịch cũng đã được tháo dỡ. Thay vào đó là cảnh “chuồng hoang trại trống”, vắng lặng. Nói theo lời của những người dân nơi đây: “Bây giờ đường làng, ngõ xóm sạch vôi bột rồi nhưng sạch cả lợn luôn!”.
Quá trưa, dừng chân tại thôn Dũng Tiến (xã Đông Tảo), chúng tôi gặp hai vợ chồng anh Giang Mạnh Cương vừa trở về sau buổi chợ sớm. Bán thịt lợn là công việc “bất đắc dĩ” của chủ cơ sở chăn nuôi từng sở hữu tới 160 con lợn nái sau khi cơn “bão dịch” quét qua. Khu chuồng trại rộng hơn 1.000m2 lúc nhúc lợn trước kia giờ chỉ còn lại những chiếc lồng sắt trơ trọi.
“Ở địa phương không còn lợn để mua, chỉ còn cách nhập từ nơi khác về. Bây giờ cầm tiền đi mua vàng còn dễ hơn đi mua lợn. Hai vợ chồng chuyển nghề này cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống. Còn khoản nợ hơn 1 tỷ đồng vẫn treo trên đầu thì chưa biết đến bao giờ mới trả được hết”, anh Cương thở dài sườn sượt.
Giọng buồn bã, anh Cương kể, hơn 13 năm gắn bó với nghề nuôi lợn nhưng chưa lần nào gặp phải một đại dịch kéo dài như vậy. Để gây dựng đàn lợn vài trăm con không phải ngày một ngày hai nhưng cơn “bão” dịch tả ập đến, mãi không ngớt khiến bao công sức của gia đình tiêu tan, vốn, lãi bỗng chốc trở về con số 0 tròn trĩnh.
“Nhiều đêm trằn trọc tính toán, muốn tái đàn nhưng chưa dám vì không còn vốn. Các đại lý hiện nay không còn bán chịu thức ăn chăn nuôi như trước mà phải “tiền trao cháo múc”. Đáng ra, nếu nuôi được 100 nhưng giờ giảm xuống chỉ còn 30 con. Với tiến độ như vậy, phải mất khoảng 2 năm mới có thể lấp đầy chuồng trại như trước”, anh Cương bộc bạch.
Cách đó không xa là trang trại với quy mô 6.000m2 của anh Văn Đình Khánh, nơi có số lượng lợn bị tiêu hủy lên đến hơn 80 tấn. Một hố vôi sát trùng lớn được đặt ngay phía cổng, ai cũng phải “nhúng” qua trước khi bước vào. Còn công nhân làm việc phía trong khu chăn nuôi sẽ phải tuân thủ nhiều quy trình nghiêm ngặt hơn như thay quần áo chuyên dụng, sát trùng trước 2 tiếng... Ngoài ra, mỗi cửa chuồng còn có thêm một hố vôi riêng biệt khác.
Còn nhớ thời đỉnh điểm, tổng đàn lợn tại đây lên đến gần 4.000 con, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 14 lao động. Nhưng bây giờ, con số này đã giảm đi hơn 20 lần, cả trại chỉ còn 90 con lợn nái và hơn 100 con lợn thịt, diện tích chuồng tại bỏ trống chiếm tới khoảng 90%, thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ đồng.
Anh Khánh nhẩm tính, thông thường để nuôi được một con lợn thịt xuất chuồng có trọng lượng 1 tạ với các chi phí như con giống, thức ăn, nhân công, vệ sinh, phòng bệnh… sẽ mất khoảng 3,8- 4 triệu đồng. Nếu giá xuất chuồng cao hơn mức này người chăn nuôi sẽ có lãi. Nhưng trong năm nay, tất cả các chi phí đều tăng, đặc biệt là chi phí thuốc sát trùng, nhân công nên con số này đã đội lên 4,5 triệu đồng. Mặc dù vậy, trong hơn 1 tháng trở lại đây, giá thịt lợn hơi đã tăng mạnh từ 20.000 - 30.000 đồng/kg lên khoảng 76.000 đồng/kg. Tính ra mỗi tạ lợn, người chăn nuôi có thể thu lời hơn 3 triệu đồng.
“Những trại không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn thì đây là thời điểm “siêu lợi nhuận”, có bao nhiêu xuất chuồng hết bấy nhiều. Nhiều đơn vị đến đặt mua nhưng chúng tôi không còn lợn để bán”, anh Khánh chia sẻ.
Nhắc đến câu chuyện tăng đàn, điều khiến anh Khánh lo lắng chính là việc một số ngân hàng đã khoanh vùng và không có kế hoạch giải ngân đối với đối tượng chăn nuôi. “Trước kia, người nông dân chỉ cần có ý tưởng, muốn thành lập một dự án chăn nuôi lợn rất thuận lợi. Nhưng hiện tại, nếu ai muốn vay tiền của ngân hàng để nuôi lợn còn khó hơn cả lên trời”, chủ trại lợn bày tỏ.
Thiết lập “vành đai”, liên kết giảm khâu trung gian
Những ngày này, bên cạnh việc chăm sóc cho đàn lợn, anh Nguyễn Hoàng, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi hữu cơ Hợp Phát đang tất bật chăm sóc những gốc bưởi, ổi trĩu quả của gia đình. Anh Hoàng giới thiệu, đó không chỉ là vườn cây ăn trái thông thường mà chính là “vành đai” an toàn để bao bọc, cách ly các yếu tố, mối đe dọa từ bên ngoài tiếp xúc với khu chuồng nuôi nằm sâu bên trong khoảng 150m.
Tính toán chi phí thông thường để nuôi được một con lợn thịt xuất chuồng có trọng lượng 1 tạ sẽ mất khoảng 3,8 - 4 triệu đồng. Nếu giá xuất chuồng cao hơn mức này người chăn nuôi sẽ có lãi.
Tuy nhiên, theo người chăn nuôi, trong năm nay, tất cả các chi phí đầu vào đều tăng, đặc biệt giá mỗi con giống nhập vào tăng 500 nghìn đồng (2018) lên đến 2 triệu đồng. Do đó, giá thành đã đội lên 4,5 triệu đồng/tạ lợn hơi, tương đương 45 nghìn đồng/kg.
Trong hơn 1 tháng trở lại đây, giá thịt lợn hơi tại Hưng Yên đã tăng mạnh và đang giữ ở 74 - 78 nghìn đồng/kg. Tính ra mỗi tạ lợn, người chăn nuôi có thể thu lời khoảng 3 triệu đồng.
Sau cơn “bão giá” năm 2017, anh Hoàng nhận thấy giá lợn bán tại trại rất rẻ trong khi miếng thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn có giá cao, lãi lời vào hết tay thương lái. Vì vậy, anh đã quyết định thành lập hợp tác xã để tập hợp các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành một tổ chức lớn hơn.
Từ đó, sẽ tạo điều kiện trong việc mua cám, mua thuốc đến ký kết hợp tác với những công ty khác. Ngoài ra, trong HTX còn tổ chức xây dựng lò mổ để bao tiêu đầu ra, bỏ bớt những khâu trung gian không cần thiết.
Việc liên kết này cũng giúp nhau trao đổi cách buôn bán, cách chăm sóc, chăn nuôi hiệu quả cũng như phòng tránh được dịch bệnh giữa các hộ. Hiện tại, quy mô sản xuất trong toàn HTX vẫn duy trì khoảng 1.000 con lợn nái sinh sản và trên 15.000 con lợn thịt phân bố chủ yếu tại xã Đông Tảo và một phần của Mễ Sở (huyện Văn Giang).
Nhờ áp dụng những tiêu chí đã đặt ra ban đầu nên thiệt hại của HTX trong đợt dịch vừa qua chỉ khoảng 400 con. Theo anh Hoàng, định hướng sắp tới sẽ là tái đàn tại chỗ và không nhập giống từ bên ngoài. Biện pháp duy nhất trong bối cảnh hiện tại là phải đảm bảo tốt công tác an toàn sinh học, tăng cường biện pháp chăm sóc, xây tường bao, bắn tôn cao lên khoảng 2m quanh khu chuồng nuôi, rắc vôi, phun thuốc khử trùng, nghiêm cấm người lạ bước vào trại…
“Mặc dù chỉ mất một số lượng nhỏ lợn mắc dịch bệnh nhưng suốt từ tháng 2 đến tháng 8 vừa rồi, HTX cũng luôn sản xuất trong tình trạng lỗ vốn vì giá lợn xuống thấp. Chúng tôi cũng chỉ mong giữ được mức giá như hiện tại để bù lại thiệt hại đã qua. Chăn nuôi quy mô lớn mất rất nhiều vốn vì vậy cái được và cái mất của nghề này khó có thể đong đếm được”, anh Hoàng nói.
Theo thống kê của UBND xã Đông Tảo, đến hết ngày 10/10 đã có hơn 12.000 con lợn của 84 hộ chăn nuôi bị tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 527 tấn. Đến nay, các đơn vị chức năng không phát hiện thêm lợn bị mắc bệnh hoặc chết, do đó chính quyền địa phương đã có báo cáo gửi UBND huyện Khoái Châu và đề nghị công bố hết dịch.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Đông Tảo cho biết, sau đợt dịch tả vừa qua chỉ còn đọng lại 3 hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn. Còn các hộ bị ảnh hưởng khác về cơ bản vẫn chưa có đề xuất tái đàn. “Sau đợt này, chúng tôi sẽ có buổi họp tổng kết qua đó rút kinh nghiệm về công tác phòng chống dịch và tiêu hủy lợn. Trên cơ sở đó sẽ tuyên truyền trước hết tập trung vào các hộ có tiềm lực chăn nuôi về quy mô, khả năng và nếu tái đàn phải có trọng tâm, trọng điểm”, vị Chủ tịch xã nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận