Hạ tầng

Gồ "cưỡng bức" tài xế giảm tốc độ có khắc chế được nạn lật xe container?

01/10/2019, 07:42
image

Để giảm các vụ lật xe container ở dốc cầu Phú Hữu, Q.9, Sở GTVT TP.HCM đã làm gồ giảm tốc "cưỡng bức" các xe phải hạn chế tốc độ khi qua cầu...

img
Gồ giảm tốc tại chân cầu Phú Hữu, hướng từ đường D2 đi vòng xoay Phú Hữu. Ảnh: Đỗ Loan

Tài xế bất ngờ vì gồ giảm tốc

Sáng 30/9, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại chân cầu Phú Hữu, Quận 9, hướng từ đường D2 về phía vòng xoay Phú Hữu, nhiều phương tiện đi với tốc độ khá nhanh. Tuy nhiên, khi đến gần chân cầu các phương tiện đồng loạt giảm tốc độ, do khu vực gần cầu được Sở GTVT cho đặt gồ giảm tốc.

Ngược lại, hướng từ cầu Phú Hữu về đường D2 cũng đặt gồ giảm tốc gần chân cầu. Theo quan sát của PV, với những xe thường xuyên đi qua cầu nên khá quen thuộc, lướt qua gồ giảm tốc rất nhẹ nhàng. Nhưng đối với những tài xế mới qua khu vực này, khi đang đi với tốc độ khá nhanh để lên cầu và bất ngờ gặp “chướng ngại vật” thì hai bánh trước nảy lên cao và hai bánh sau dằn xuống đường nghe rần rần.

Tài xế Nguyễn Văn Hải, thường xuyên qua cầu Phú Hữu cho biết: “Khu vực này hay xảy ra xe container bị lật ngay khúc cua dốc cầu. Sau đó cơ quan chức năng làm nhiều biện pháp nhưng cũng chưa cải thiện hết được khúc đường cong vô lý đó. Gồ giảm tốc mục đích cho các xe chạy chậm lại nhưng lại làm khá cao khiến các bác tài rất khó chịu”.

img
Gồ giảm tốc là giải pháp "cưỡng bức" được Sở GTVT áp dụng tại chân cầu Phú Hữu nhằm giảm TNGT. Ảnh: Đỗ Loan

Gồ giảm tốc khác gờ giảm tốc thế nào?

Về việc lắp gồ giảm tốc chân cầu Phú Hữu, Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM cho biết, trong thời gian chờ dự án đường vành đai hoàn thiện đoạn kết nối từ cầu Phú Hữu ra Xa lộ Hà Nội, khu vực đường đầu cầu Phú Hữu - đường D2 (Khu Công nghệ cao) đang được tổ chức giao thông tạm để khai thác. Vị trí vừa đổ dốc cầu lại là đoạn cong gấp nên đã xảy ra nhiều vụ lật xe. Tuy các vụ tai nạn chưa gây thiệt hại về người nhưng đã làm hư hại về kết cầu hạ tầng và phương tiện giao thông.

Để phân biệt giữa gờ giảm tốc và gồ giảm tốc, một cán bộ của Trung tâm cho biết, hiện tại đang áp dụng trên các tuyến đường ở TP có 2 loại gồm gờ giảm tốc (chủ yếu cảnh báo bằng độ dày của các vạch sơn) và gồ giảm tốc (chủ yếu cảnh báo bằng độ cao của gồ bê tông trên). Cái đơn vị đang sử dụng ở khu vực cầu Phú Hữu là gồ giảm tốc.

Cũng theo cán bộ này, các gồ giảm tốc thường hay được lắp đặt tại các vị trí cảnh báo nguy hiểm trên đường (khúc cua nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn chết người ...). Trước đó, các gồ giảm tốc mà Sở GTVT đã triển khai hiệu quả là trên đường Hoàng Sa (nằm đoạn giữa cầu Kiệu và chùa Vạn Thọ) đã phát huy hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng xe container lật khu vực cầu Phú Hữu, Khu 2 (đơn vị quản lý trước kia) đã triển khai một số giải pháp nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực. Cụ thể, dịch chuyển 100m dải phân cách ngăn giữa làn xe 2 bánh với làn xe ô tô về phía vỉa hè để tăng chiều rộng cho làn xe ô tô, sơn bổ sung 15 vạch sơn giảm tốc; sơn vạch sơn tín hiệu giao thông trên 3 cụm mô giảm tốc.

Xây dựng 3 gồ giảm tốc trên phần đường dành riêng cho xe ô tô lưu thông theo hướng từ đường D12 vào cầu Phú Hữu với quy kích thước hình học là parabol lồi, độ dốc dọc mỗi bên 6%, khoảng cách giữa các mô là 30m (tính từ tim) gồm mô 1: rộng 100 cm, dày 03cm; Mô 2: rộng 167 cm, dày 5cm; Mô 3: rộng 232cm, dày 7cm.

Theo Trung tâm, kể từ khi triển khai thực hiện các giải pháp nêu trên, tình hình giao thông tại khu vực ổn định, không xảy ra các vụ tai nạn lật xe.

Clip xe ô tô chạy qua gồ giảm tốc "cưỡng bức" để lên cầu Phú Hữu, Q.9

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.