Đường sắt

Gỡ "nút thắt" đầu tư hạ tầng đường sắt quốc gia

29/08/2022, 19:24

Cần thiết có cơ chế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư tăng thêm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Thiếu cơ chế, không thể đầu tư tăng thêm tài sản hạ tầng

Báo cáo đánh giá 4 năm thực thi Luật Đường sắt 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018), Cục Đường sắt VN cho biết, nguồn lực đầu tư cho KCHT đường sắt thời gian qua tuy có được quan tâm hơn trước nhưng chủ yếu cho các dự án nâng cấp, cải tạo.

Giai đoạn 2016-2021, nguồn vốn Ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển KCHT đường sắt chỉ đạt 6,8% toàn ngành GTVT; Vốn bố trí bảo trì chỉ đạt khoảng 40% theo định mức tính đủ, chỉ đủ ở mức tối thiểu để khai thác, bảo đảm ATGT đường sắt. Trong đó, vốn cho đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia chỉ đạt khoảng 21.288 tỷ đồng, trung bình 2.129 tỷ đồng/năm.

img

Chưa có cơ chế để doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt tự đầu tư hoặc hợp tác đầu tư vào tài sản hạ tầng đường sắt quốc gia hiện có. Ảnh: minh họa

Trong điều kiện vốn ngân sách Nhà nước hạn chế, khó khăn như vậy, rất cần huy động nguồn vốn tư nhân, vốn ngoài ngân sách Nhà nước. Không chỉ đối với đầu tư tuyến mới mà còn đối với đầu tư tăng thêm tài sản KCHT đường sắt quốc gia như làm thêm đường sắt trong ga, kéo dài đường ga, làm bãi hàng tiêu chuẩn...

Theo quy định tại Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản KCHT đường sắt quốc gia, việc đầu tư tăng thêm tài sản KCHT đường sắt quốc gia có thể được thực hiện qua một trong hai hình thức: Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản thông qua đề án do Bộ GTVT đề nghị và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Hoặc đầu tư tăng thêm tài sản theo hình thức đối tác công - tư theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đại diện Công ty Ratraco, một doanh nghiệp chuyên thực hiện logistics hàng hóa liên vận đi châu Âu bằng đường sắt cho biết, dù đơn vị bỏ vốn đầu tư nâng cấp bãi hàng ga Đông Anh để đáp ứng xếp - dỡ cơ giới container, trong đó có tàu hàng chạy thẳng châu Âu nhưng chưa có cơ chế hợp tác cụ thể, chủ yếu trên tinh thần Tổng công ty Đường sắt VN tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Tuy vậy trên thực tế không có dự án nào được triển khai thực hiện theo các hình thức này. Các dự án xã hội hóa đầu tư KCHT đường sắt hiện nay do Tổng công ty Đường sắt VN tổ chức thực hiện đều là những dự án nhỏ lẻ, chủ yếu là vận dụng cơ chế "hợp đồng cho thuê có điều kiện" và chỉ tập trung vào hạ tầng một số nhà ga, kho bãi.

Như bãi hàng ga Đông Anh, bãi hàng ga Trảng Bom... Đây là hạ tầng có thể thu trực tiếp và có lợi thế thương mại; Không có bất cứ dự án nào đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Thiện Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, nguyên do chưa có cơ chế để doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt tự đầu tư mở rộng, nâng cấp tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

"Tổng công ty Đường sắt VN đã rất mong muốn được tự đầu tư kéo dài đường sắt trong ga Sông Lũy (tỉnh Bình Thuận) để tăng năng lực hạ tầng, phục vụ cho vận tải vì đường ga ngắn, không chứa được đoàn tàu dài. Thực tế, đây là điểm nghẽn đối với toàn bộ đoạn Nha Trang - Sài Gòn, chỉ chạy được khoảng 16 đôi tàu/1 ngày đêm", ông Cảnh nói và cho biết thêm: Nếu kéo dài được đường ga, vừa tăng được chiều dài đoàn tàu trong khu đoạn này, vừa tăng được số đôi tàu/ngày đêm, tăng năng lực vận tải. Tuy nhiên không có cơ chế nào để Tổng công ty tự đầu tư vào tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

Cũng theo ông Cảnh, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp vận tải muốn đầu tư đặt thêm đường sắt phục vụ xếp dỡ hàng hóa tại ga Sóng Thần cũng không có cơ chế để làm. Hay như Ga Sài Gòn trước đây có một doanh nghiệp hàng không muốn hợp tác với Tổng công ty Đường sắt VN để đầu tư cải tạo, nâng cấp thành một trung tâm dịch vụ thương mại đa năng, bao gồm cả chức năng phục vụ chạy tàu nhưng đành “ách” lại.

Nhiều nhà đầu tư nhòm ngó

Báo cáo của Cục Đường sắt VN cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư đề xuất các dự án có quy mô lớn như cải tạo Ga Hà Nội; Dự án xã hội hóa công trình tòa nhà Ga Sài Gòn; Dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng và phát triển dịch vụ logistics đường sắt tại các khu ga: Sóng Thần, Diêu Trì, Yên Viên, Đông Anh và Đồng Đăng.

img

Doanh nghiệp muốn tự bỏ kinh phí đầu tư kéo dài đường ga hoặc đặt thêm đường ga mới để nâng cao năng lực hạ tầng, phục vụ khai thác vận tải cũng không thực hiện được, phải đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước. Ảnh: đầu tư kéo dài đường ga Hòa Trinh, dự án đường sắt 7.000 tỉ vốn trung hạn 2016-2020

Các dự án này đều hợp tác với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt để đầu tư, nhưng cũng chưa đủ điều kiện triển khai thực hiện do chưa có cơ chế để doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt tự đầu tư mở rộng, nâng cấp tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

Trường hợp thực hiện theo phương án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản thông qua đề án do Bộ GTVT đề nghị và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo quy định tại Nghị định 46), quá trình triển khai qua nhiều khâu, thời gian dài, không có tính ưu đãi, đột phá. Nếu thực hiện theo hình thức đối tác công - tư sẽ rất khó xác định được giá trị của tài sản hiện tại, doanh thu tăng thêm sau khi đầu tư.

“Để triển khai các chính sách ưu đãi phát triển đường sắt đã được quy định trong Luật Đường sắt, cần thiết phải sửa đổi Nghị định 46 theo hướng bổ sung quy định cụ thể danh mục tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt ưu đãi đầu tư cũng như có cơ chế để doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt tự đầu tư mở rộng, nâng cấp tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt trên cơ sở tuân thủ quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đã được phê duyệt”, Cục Đường sắt VN đề xuất.

Thông tin cụ thể, ông Trần Thiện Cảnh cho biết, tại các khu ga, toàn bộ hạ tầng liên quan trực tiếp đến chạy tàu như đường sắt, ke ga và hạ tầng không liên quan trực tiếp đến chạy tàu như công trình kiến trúc nhà ga, kho bãi... đều là tài sản công.

Do vậy, nếu muốn đầu tư thêm vào tài sản này bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước (vốn tư nhân) đều phải có căn cứ, hành lang pháp lý, xác định ai sở hữu, cơ chế khai thác thế nào đối với tài sản tăng thêm sau đầu tư.

Để giải quyết khó khăn này, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản KCHT đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Nghị định 46 (Đề án 46). Theo đó, đề xuất đơn vị được giao quản lý tài sản, từ đó có cơ chế đầu tư, hợp tác đầu tư. Nhưng hiện Đề án 46 chưa được phê duyệt.

“Giờ nếu có nhà đầu tư quan tâm, muốn liên kết với đường sắt để đầu tư cũng không được, chủ yếu vì chưa xác định được tài sản giao cho ai. Sau khi Đề án 46 được phê duyệt, ai muốn khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt như thế nào phải xây dựng đề án, trình Bộ GTVT phê duyệt. Có thể nói Đề án 46 là “chìa khóa”, khi chưa được phê duyệt thì không thể đầu tư tăng thêm tài sản KCHT đường sắt quốc gia vì không có căn cứ pháp lý.”, ông Cảnh nói.

“Hiện đối với kéo dài đường ga Sông Lũy, đã được đưa vào dự án 7.000 tỉ cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam để thực hiện. Nhu cầu đặt đường xếp dỡ, tăng năng lực ga Sóng Thần cũng đã được đưa vào dự án cải tạo, nâng cấp các ga vốn trung hạn 2021-2025.

Còn ga Sài Gòn, nếu có công ty tư nhân nào muốn bỏ tiền đầu tư, rồi khai thác sau bao nhiêu năm sẽ trả lại Nhà nước thì vẫn phải đợi cơ sở pháp lý từ Đề án 46.”, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN Trần Thiện Cảnh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.