Đường bộ

Gỡ khó nguồn vốn, khởi công cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc trong năm 2023

09/02/2023, 21:14

Liên danh nhà đầu tư đề xuất tháo gỡ khó khăn về cơ chế tài chính để dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc sớm có nguồn vốn, khởi công trong năm 2023.

Đang lập báo cáo khả thi

Chiều nay (9/2), UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với Liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc.

img

Toàn cảnh buổi làm việc giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu chiều nay (9/2).

Báo cáo tiến độ triển khai dự án, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, công tác lập báo cáo khả thi đang được thực hiện.

Công tác khảo sát địa chất đã đạt khoảng 80%, các công tác báo cáo tác động môi trường, lập khung chính sách GPMB cũng đang được nhà đầu tư phối hợp thực hiện.

Theo quyết định phê duyệt chủ trương, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn phân kỳ, dự án có quy mô nền đường rộng 17m, 4 làn xe, bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp không liên tục với khoảng cách 4-5km/vị trí.

Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc sẽ được đầu tư quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch với nền đường rộng 22m gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục.

Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ của dự án khoảng 17.200 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỉ đồng và 9.095 tỉ đồng từ các nguồn huy động.

“Hơn 2 năm kể từ những ngày đầu đề xuất dự án, các nhà đầu tư đã cùng cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt, tổ chức tham quan mô hình triển khai dự án của tỉnh Cao Bằng, tổ chức kiểm tra thực tế các dự án cao tốc trước đó bị ách tắc đình trệ đã được Tập đoàn Đèo Cả thực hiện thành công như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận…

Ban Chỉ đạo dự án của tỉnh Lâm Đồng do Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban đã cùng Liên danh nhà đầu tư lập đề xuất dự án báo cáo Thủ tướng, thuyết phục các Bộ, ngành để chuyển vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là việc bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ dự án 2.000 tỷ đồng”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả nói và cho biết cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là dự án đầu tiên được Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định chủ trương đầu tư, các thủ tục rất phức tạp, quá trình thực hiện kéo dài.

Song, nhờ sự phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, các khó khăn của dự án dần được tháo gỡ. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386 ngày 10/11/2022.

Đề xuất cơ chế chia sẻ doanh thu

Đề cập đến khó khăn khiến dự án chưa thể triển khai, theo Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc không được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm so với phương án tài chính của dự án theo Điều 82 Luật PPP. Trong khi đây chính là điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư kêu gọi huy động vốn và phía các ngân hàng xem xét tham gia đầu tư, cung cấp tín dụng cho dự án.

Việc này chưa áp dụng đồng bộ so với dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đề xuất cơ chế chia sẻ doanh thu theo quy định của Luật PPP bằng vốn Ngân sách nhà nước tại dự án cần được báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép áp dụng.

“Hạng mục GPMB cần được tách thành tiểu dự án thành phần để tỉnh phê duyệt, đồng thời ứng trước vốn ngân sách địa phương để thực hiện. Tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất huy động vốn cũng cần được cập nhật theo quy định để thu hút ngân hàng tham gia”, ông Hoàng đề xuất và khẳng định, Tập đoàn Đèo Cả sẽ chủ động thu xếp phần vốn chủ sở hữu 1.605 tỷ đồng, cần thiết sẽ điều chỉnh liên danh nhà đầu tư trong bước đấu thầu thực hiện dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án, đứng đầu là Tập đoàn Đèo Cả đã kiên trì suốt 2 năm cùng tỉnh giải quyết các vướng mắc để hoàn thành hồ sơ nghiên cứu khả thi.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng ghi nhận sự chia sẻ, hỗ trợ của ngân hàng Eximbank, Nam Á Bank trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời đề nghị các ngân hàng cụ thể hóa các cam kết bằng văn bản, làm cơ sở triển khai.

“Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là mơ ước của người dân trên địa bàn tỉnh và chính quyền địa phương. Các bên liên quan cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, hàng tháng phải báo cáo kết quả và tiến độ thực hiện. Trong năm nay phải khởi công dự án, đây là nhiệm vụ và quyết tâm chính trị của tỉnh trong năm 2023”, ông Hiệp nói.

Đơn vị thành viên của Tập đoàn Đèo Cả là Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (MCK: HHV) cũng vừa công bố trúng thầu dự án mở rộng, nâng cấp đèo Prenn, tỉnh Lâm Đồng với giá trị trên 500 tỷ đồng. Đây là tiền đề để Tập đoàn Đèo Cả chứng minh năng lực tổ chức triển khai thi công, đưa dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, góp phần từng bước phát triển hạ tầng giao thông của địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.