Buổi làm việc giữa Tổng cục Đường bộ VN và Ty Giao thông vận tải Quảng Tây (Trung Quốc) |
Hôm nay (22/11), Tổng cục Đường bộ VN có buổi làm việc với Ty Giao thông vận tải tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trao đổi về các vấn đề vận tải liên vận giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và tỉnh Quảng Tây nói riêng.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi các vấn đề về tình hình phát triển đường bộ của Việt Nam cũng như hoạt động vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tình hình chung về kết nối liên thông hành lang đường bộ Việt Nam và tỉnh Quảng Tây; việc kết nối liên thông giữa các tỉnh của Việt Nam giáp tỉnh Quảng Tây như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang; tạo thuận lợi vận tải hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, về hành lang đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là với tỉnh Quảng Tây đã được kết nối liên thông trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Về vận tải đường bộ quốc tế giữa hai nước, bà Hiền cho biết, hai nước đã ký Hiệp định vận tải đường bộ Việt - Trung. Phương tiện vận tải sẽ được lưu thông qua 7 cặp cửa khẩu. Trong đó, có 4 cặp cửa khẩu với tỉnh Quảng Tây. Giữa hai nước cũng đã có 18 tuyến vận tải liên vận, trong đó có 11 tuyến vận tải hành khách, 7 tuyến vận tải hàng hóa, trong số này có có 12 tuyến với tỉnh Quảng Tây.
Tuy nhiên, bà Hiền cho biết, trong thực hiện vận tải liên vận giữa hai nước còn vướng mắc về thủ tục thị thực, lái xe Việt Nam chỉ được cấp loại giấy này với thời gian rất ngắn và không được đi lại nhiều lần gây khó khăn cho hoạt động vận tải và tăng chi phí vận tải. Trên cơ sở này, bà Hiền đề nghị Ty Giao thông vận tải tỉnh Quảng Tây có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc tăng thời gian cấp thị thực cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe với thời hạn 1 năm thay vì 3 tháng như hiện nay và được đi lại nhiều lần. Đồng thời, hai bên cùng báo cáo Bộ GTVT hai nước đề nghị cơ quan có thẩm quyền bỏ quy định về doanh nghiệp vận tải hàng hóa phải có đại lý khai báo hải quan, đăng ký thủ tục giám sát hải quan và đóng tiền bảo lãnh phương tiện.
Ông Trần Hồng Khởi, Giám đốc Ty Giao thông vận tải tỉnh Quảng Tây cho biết, với sự hợp tác giữa hai bên, thời gian qua tuyến vận tải giữa Trung Quốc với Việt Nam đã có bước phát triển, có tác động tích cực tới mậu dịch và mang lại thuận lợi trong đi lại của người dân hai nước. Ghi nhận những vấn đề tồn tại trong thực hiện vận tải liên vận giữa hai nước được phía Tổng cục Đường bộ VN nêu ra, ông Trần Hồng Khởi cho biết sẽ làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận