Quản lý

Gỡ vướng chi phí cho cả hai nhà đầu tư

01/07/2019, 10:00

Nhà đầu tư cung cấp dịch vụ thu phí không dừng và nhà đầu tư BOT sẽ “chia” nhau theo tỷ lệ 50/50 chi phí tổ chức quản lý thu tại các trạm BOT.

img
Trạm thu phí Sông Phan trên quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai (Ảnh minh họa)

Theo phương án tài chính ban đầu của dự án thu phí tự động không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, nhà đầu tư cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và nhà đầu tư BOT sẽ “chia” nhau theo tỷ lệ 50/50 chi phí tổ chức quản lý thu tại các trạm BOT.

Với cách tính này, không đảm bảo phương án tài chính của dự án. Để tháo gỡ và minh bạch tính chi phí quản lý thu phí tại các dự án BOT, năm 2018, Bộ GTVT đã trình Chính phủ và được Thủ tướng cho phép điều chỉnh phương án tài chính ban đầu là trích trực tiếp từ doanh thu thu phí dự án BOT để tháo gỡ khó khăn cho dự án.

Trên cơ sở phê duyệt điều chỉnh phương án tài chính của dự án ETC tại Quyết định 136 tháng 1/2019 của Bộ GTVT, nhà đầu tư BOT sẽ ký phụ lục hợp đồng BOT với Bộ GTVT để triển khai dịch vụ thu phí ETC. Theo Bộ GTVT, hiện nay có 37 nhà đầu tư BOT thuộc dự án sẽ phải ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT theo phương án tài chính mới để triển khai thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, việc triển khai này hiện đang rất chậm chạp với nhiều lý do khác nhau từ phía nhà đầu tư BOT.

Ông Ngô Thành Long, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang cho biết, chi phí tổ chức thu ETC gồm 2 chi phí vận hành hệ thống và chi phí hoàn vốn cho dự án thu phí không dừng. Vì vậy, ông Long cho rằng, để phù hợp với hợp đồng BOT, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ETC phải lập dự toán và thỏa thuận với cơ quan quản lý Nhà nước đối với phần chi phí vận hành hệ thống ETC theo từng giai đoạn vận hành.

Cũng theo ông Long, chi phí để hoàn vốn cho dự án thu phí không dừng không thể ấn định bởi thời gian hoàn vốn của các dự án BOT có thay đổi. Do đó, ông Long cho rằng, vòng đời của hệ thống ETC đối với mỗi dự án BOT nên có sự đồng nhất tương ứng với mỗi dự án BOT.

Bà Từ Thị Bích Nguyệt, Tổng giám đốc Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp cho rằng, việc tính chi phí dịch vụ ETC chưa rõ ràng, cụ thể về công thức tính, tỷ lệ xác định, các định nghĩa và diễn giải cho công thức tính.

Trước những băn khoăn của nhà đầu tư BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, theo quyết định phê duyệt điều chỉnh phương án tài chính dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 của Bộ GTVT, chi phí quản lý thu phí tại các dự án BOT được trích trực tiếp từ doanh thu thu phí tại các dự án BOT, gồm 2 khoản chi phí.

Đầu tiên là chi phí quản lý thu phí ETC, đây là chi phí nhà đầu tư BOT trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí để hoàn vốn đầu tư và chi phí vận hành thu phí ETC tại trạm thu phí trong suốt vòng đời dự án BOT (bao gồm chi phí vận hành, bảo trì hệ thống ETC, chi phí nhân công quản lý công tác thu phí tại trạm BOT). Chi phí này được bổ sung vào phương án tài chính các dự án BOT.

Chi phí này được tính theo tỷ lệ phần trăm của doanh thu thu phí trước thuế tại các dự án BOT. Tỷ lệ trên được xác định trong phương án tài chính của dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1. Tỷ lệ chi phí quản lý ETC thay đổi theo các thông số nêu trên.

Trong quá trình tính toán phương án tài chính dự án ETC, tổng chi phí quản lý thu ETC tại mỗi dự án BOT tương đương với chi phí quản lý thu phí trong các Hợp đồng BOT đã ký để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phương án tài chính dự án BOT.

Thứ hai là chi phí quản lý, giám sát công tác thu phí là chi phí nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án thu phí đường bộ dùng để quản lý, giám sát quá trình tổ chức thu phí của nhà cung cấp dịch vụ thu phí.

“Với phương án giải quyết như trên, Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà đầu tư ký kết phụ lục hợp đồng trước 5/7/2019. Đồng thời giao Tổng cục Đường bộ VN dừng thu phí đối với các nhà đầu tư không hoàn thành đúng thời hạn ký phụ lục hợp đồng triển khai thu phí ETC cho đến khi nhà đầu tư thống nhất ký kết phụ lục hợp đồng. Tổng cục Đường bộ VN phải đôn đốc nhà cung cấp dịch vụ đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị ETC tại các trạm có đủ điều kiện, trong đó ưu tiên triển khai trước tại các trạm cửa ngõ có lưu lượng giao thông lớn”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.