Thị trường

Gọi vốn cho startup: “Cuộc hôn nhân” không đến từ tiếng sét ái tình

21/07/2019, 06:57

Với startup, gọi vốn là khâu cuối nhưng có tính chất quyết định để “đứa con tinh thần” sau bao ngày thai nghén sẽ chào đời và phát triển tốt.

img
Chỉ hơn một năm sau khi gọi được lượng vốn 5 triệu USD, The KAfe đã phá sản, để lại nhiều nuối tiếc cho cộng đồng startup

Bởi vậy, sự kết hợp giữa nhà đầu tư và startup chẳng khác nào một “cuộc hôn nhân” đầy toan tính...

Vị thế của người đi gọi vốn

2.224 USD là số tiền mà 52 người đã ủng hộ Đào Chi Anh - Cựu CEO của The KAfe - trong vòng 32 ngày qua (tính đến cuối ngày 17/7) thông qua hình thức gọi vốn cộng đồng để gây dựng lại mô hình The KAfe. Gọi vốn cộng đồng (crowdfunding - được hiểu là hình thức kêu gọi ủng hộ tài chính từ cộng đồng để một startup thực hiện ý tưởng nhưng không phải dưới dạng góp vốn chủ sở hữu).

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Đào Chi Anh cho biết, đang có rất nhiều việc phải làm và chưa thực sự muốn chia sẻ chi tiết về dự án ở thời điểm này. Gọi đây là “dự án ẩm thực trong mơ” với không gian đủ rộng rãi, thông thoáng để khách đến ăn uống và trò chuyện với bạn bè và gia đình, Đào Chi Anh nhấn mạnh, các món ăn và đồ uống ngoài độc đáo về hương vị và đặc biệt là đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng khi ưu tiên những nguyên liệu tự nhiên cao cấp và sạch từ những nguồn nông trại và thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, dự án của Đào Chi Anh đang gây tranh cãi khi thông tin đưa ra vẫn khá ít ỏi từ tên cửa hàng, thương hiệu, địa điểm đến thiết kế hay xây dựng thực đơn... Và một điều quan trọng nữa khiến dự án của này chưa thực sự thuyết phục được nhiều người góp vốn là sự thất bại của The KAfe đình đám cách đây hơn hai năm.

Đến nay, Chi Anh mới thực sự tiết lộ việc phát triển nhanh về số lượng nhà hàng của The KAfe trước đây khiến cô “buộc phải thoả hiệp phần nào về chiều sâu sản phẩm và những ý tưởng phát triển về dinh dưỡng hay hương vị” - sự đánh đổi khi nhận 5,5 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên. Nhà đầu tư muốn tối đa hóa lợi nhuận của khoản đầu tư trong khi phía thực hiện không đáp ứng được việc mở rộng chuỗi một cách thần tốc dẫn đến sự ra đi của CEO và sau đó là sự sụp đổ của “mô hình startup điểm”.

Rút ra bài học, lần trở lại này, Chi Anh cho biết, dự định chỉ mở một cửa hàng để tập trung phát triển một cách tốt nhất theo đúng dự định ban đầu. Nhưng lần gọi vốn này khác với trước đó khi tất cả mới dừng ở ý tưởng. Con số 2.224 USD gọi được sau hơn 1 tháng còn cách mục tiêu 200.000 USD (gần 5 tỷ đồng) rất xa. Nếu không gọi được đủ số tiền đó? “Dù là được bao nhiêu, Chi Anh hứa sẽ vẫn tạo ra một sản phẩm ẩm thực ý nghĩa”, Đào Chi Anh cam kết.

Phạm Thị Quỳnh Hương (đồng sáng lập dự án môi trường Save your Ocean) đã từ chối khoản đầu tư 50.000 USD hồi cuối năm 2017 khi có nhà đầu tư yêu cầu số cổ phần là 30% và 45% của dự án thay vì chỉ là 10% mà nhóm đưa ra, đồng thời đi kèm điều kiện về một mức tăng trưởng lợi nhuận ít nhất gấp 3 lần trong 18 tháng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Quỳnh Hương cho rằng, khi không có chung chiến lược và quan điểm thì không nhất thiết phải nhận vốn đầu tư bằng mọi giá bởi một khi đã nhận vốn đầu tư cũng đồng nghĩa với chấp nhận những điều kiện đối tác đưa ra mà rất có thể sẽ phải thay đổi cả chiến lược của dự án. Quỳnh Hương cho biết, đến nay dự án bán bình đựng nước lọc có phần nắp được gắn chip NFC (một công nghệ kết nối không dây tầm ngắn) kèm theo phát triển hệ thống cung cấp nước của nhóm vẫn đang được triển khai rất tốt tại TP HCM. Đến nay, nhóm cũng đã kết hợp với một số đối tác mở rộng ra Hà Nội và Đà Nẵng.

Chậm mà chắc cùng với sử dụng một cách tối ưu những đồng vốn đã bỏ ra là cách mà nhóm sáng lập dự án này đang chứng minh cho sự lựa chọn đúng đắn của mình. Đây cũng là cách mà dự án Peony Home hay nhiều dự án khác lựa chọn khi chưa tìm được tiếng nói chung với nhà đầu tư.

Tỉnh táo, biết dẫn dắt cuộc chơi

img
VinaCapital giải ngân sau 3 ngày quyết định đầu tư vào FASTGO - khi thủ tục còn chưa hoàn thiện - là điều chưa từng có trong cộng đồng startup Việt

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc FASTGO đã cho thấy vị thế khác của một startup trong câu chuyện gọi vốn. Công ty CP FASTGO Việt Nam được thành lập tháng 4/2018, tháng 6/2018 FASTGO ra mắt và chỉ 2 tháng sau đã hút được hơn 3 triệu USD từ một quỹ đầu tư đình đám.

Vị thế của FASTGO là xuất phát từ đơn vị công nghệ, từng phát triển ứng dụng công nghệ gọi xe cho các đối tác trong và ngoài nước. FASTGO trong câu chuyện chia sẻ của vị CEO trẻ tuổi, ra đời sau khi nhóm phát hiện khoảng trống sau khi Uber Việt Nam bị thâu tóm. Chính vì thế, việc quỹ đầu tư lớn tìm đến để rót vốn và “rải tiền” ngay sau 3 ngày khi thủ tục giải ngân còn chưa hoàn thiện như là một điều tất yếu.

Nói về đối tác, ông Tuất cũng không ngại dành những lời có “cánh” để nói về sự ăn ý đôi bên và sự hỗ trợ của đối tác khi cử những nhân viên trẻ, năng động, nhiệt tình và am hiểu để “ăn nằm” cùng startup. Có điều gì khiến hai bên khó đưa ra tiếng nói chung? “Không có, vì cả hai đều có chung tầm nhìn và hỗ trợ nhau rất tốt”, ông Tuất vui vẻ. CEO FASTGO cũng tiết lộ, sự kết hợp ăn ý đó chỉ sau 3 tháng FASTGO đã đạt mục tiêu cả năm. Đến nay, FASTGO đã có gần 1 triệu khách hàng, thực hiện gần 2 triệu cuốc xe, 12 triệu km lộ trình, gấp đôi kế hoạch đặt ra đến cuối 2019.

Thậm chí trong cuộc chiến “đốt” tiền để giành khách hàng của các đơn vị ứng dụng công nghệ gọi xe hiện nay, FASTGO không bị cuốn vào nhưng vẫn có được “tệp” khách hàng ổn định và có nền tảng tài chính tốt. Lãnh đạo FASTGO tiết lộ, đến 1/8/2019, hãng sẽ phát triển thêm dòng xe hạng sang với đội ngũ lái xe riêng phục vụ khách hàng, đồng thời mở rộng thêm tiện ích đặt xe đường dài, giao hàng cho khách hàng cũng như liên kết tài chính, bảo hiểm… cho lái xe.

Chiến lược của FASTGO cũng thay đổi khi vượt ra ngoài biên giới và đã hiện diện ở Myanmar với 5.000 đầu xe, Singapore gần 4.000 tài xế và đang thiết lập thêm tại thị trường Indonesia. “Việc mở rộng đòi hỏi nhiều yếu tố, thời cơ thị trường, khả năng tới đâu... chứ không phải thích lên là đầu tư. Mỗi bước đi đều có chiến lược”, Tổng giám đốc trẻ tuổi của FASTGO khẳng định.

Chia sẻ việc “tiêu tiền” sao cho hiệu quả, ông Tuất cho biết, hút khoản đầu tư 3-5 triệu USD cho mỗi dự án của nhóm là chuyện hoàn toàn bình thường, có dự án lên tới cả chục triệu USD.

“Nhóm có kinh nghiệm nên một khoản đầu tư 3-5 triệu USD chưa phải “hoành tráng”. Nhưng chừng ấy chưa đủ với startup, công ty muốn phát triển có độ lớn thì các startup phải qua nhiều vòng vốn. Nếu người sáng lập có đam mê, có mục tiêu, dự án phù hợp, có khách hàng, có thị trường phát triển và đội ngũ biết tổ chức thực hiện thì nhà đầu tư tự tìm đến”, CEO trẻ tuổi nói và cho rằng, những ai có ý tưởng hãy cứ tự tin thực hiện, đừng nhìn ngó. Việc đầu tư vào các dự án có cái thành công, cái thất bại là chuyện bình thường.

“Nhưng may là các dự án đều thành công và có lãi nên không mất tiền. Cuộc hôn nhân không đến từ tiếng sét ái tình, nó là quá trình tìm hiểu, đàm phán, chia sẻ và sàng lọc. Chúng tôi thuộc dạng tỉnh táo, biết cuộc chơi và biết dẫn dắt mình đi đâu”, Tổng giám đốc FASTGO Nguyễn Hữu Tuất tự tin.

Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital Ventures:
Chúng tôi nhiều lần từ chối rót vốn các startup đi vào lối mòn

VinaCapital Ventures hiện đang đầu tư vào những giải pháp công nghệ ở các lĩnh vực logistics, vận tải, tài chính, bất động sản, bán lẻ và các mô hình media/giải trí số. Chúng tôi chú ý đến các startup khi hội tụ được các tiêu chí sau: Mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của các ngành truyền thống; Các giải pháp có thể mở rộng ra khu vực và thế giới; Các nhà sáng lập có suy nghĩ sáng tạo, năng động và có tinh thần làm việc tập thể, tinh thần kết nối.

Khi bắt đầu thảo luận cho kế hoạch hợp tác, nhà đầu tư và startup đã phải tìm hiểu tầm nhìn, mục tiêu, sự nổi bật và khát vọng của hai bên có chung một hướng nhìn hay không. Chúng tôi đã từng nhiều lần từ chối rót vốn nếu các startup đi vào lối mòn, không tạo nên sự khác biệt cụ thể trên thị trường. Chính vì vậy, khi đã quyết định đầu tư tức là chúng tôi đã đi được những bước đầu vững chắc trong chặng đường phát triển.

Nhiều thương vụ đình đám “đứt gánh” giữa đường

Báo cáo về tình hình đầu tư vào startup Việt Nam năm 2018 do Topica Founder Institute (TFI) thực hiện cho biết, trong năm 2018 này, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư startup với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, gấp 3 lần so với năm trước. Số lượng thương vụ tương đương năm 2017 nhưng giá trị tăng gần gấp đôi. 6 lĩnh vực đang được rót vốn nhiều nhất là Fintech (117 triệu USD), thương mại điện tử (104 triệu USD), TravelTech (64 triệu USD), Edtech (54 triệu USD), Logistics (54 triệu USD) và bất động sản online (47 triệu USD). Thời gian qua, có nhiều thương vụ “đứt gánh” như thương vụ VinaCapital đầu tư vào 32 triệu USD vào Công ty CP Ba Huân, hay thương vụ CTCP Sữa Quốc tế (IDP) (sở hữu nhãn hiệu Sữa Ba Vì, Love’in Farm) đón nhận vốn khủng 75 triệu USD từ hai “cá mập” nhưng lại liên tục lỗ trong mấy năm gần đây...

C.S

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.