Bất động sản

Góp ý dự thảo Luật Đất đai: Miễn tiền sử dụng đất gây lãng phí nguồn lực

06/08/2022, 19:05

Điều 128 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian sử dụng dễ gây lãng phí nguồn lực.

Lãng phí nguồn lực đất đai

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được Bộ TNMT đăng tải xin ý kiến tiếp tục quy định chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đó, Điều 128 Dự thảo quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là việc Nhà nước cho phép người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian sử dụng đất.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông về góp ý quy định này của dự thảo, ThS Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia Luật Đất đai cho rằng, quy định này rất dễ dẫn đến bất cập, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Ông Đỉnh cho biết, theo Luật Đất đai hiện hành, việc miễn tiền thuê đất có thể là miễn cho một số năm hoặc miễn toàn bộ thời gian thuê đất, căn cứ danh mục địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

img

Góp ý Luật Đất đai sửa đổi, luật sư cho rằng, việc miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian sử dụng dễ gây lãng phí nguồn lực (ảnh minh hoạ)

Ví dụ với dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất..., theo Nghị định số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước thì nhà đầu tư hạ tầng sẽ được miễn tiền thuê đất 11 năm nếu đầu tư tại huyện không thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư; được miễn tiền thuê đất 15 năm nếu đầu tư tại huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; được miễn toàn bộ tiền thuê đất nếu đầu tư tại huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Quy định hiện nay là rất hợp lý và thể hiện đúng bản chất là để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất... có thời gian hoàn vốn. Sau khi có đủ thời gian cho thuê lại đất gắn với hạ tầng để hoàn vốn thì nhà đầu tư phải nộp tiền thuê đất cho Nhà nước trong thời gian hoạt động còn lại của dự án.

Ví dụ với dự án khu công nghiệp có thời hạn 50 năm, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất 3 năm trong thời gian xây dựng cơ bản. Sau khi hoàn thành đầu tư hạ tầng và bắt đầu kinh doanh cho thuê lại quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng, nhà đầu tư tiếp tục được miễn tiền thuê đất 15 năm nếu dự án thuộc huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Tổng cộng nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất trong 18 năm, sau đó phải nộp tiền thuê đất cho Nhà nước trong 32 năm còn lại. Chính sách này bảo đảm hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư cũng như tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Nên giữ quy định ưu đãi có thời hạn

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh, nếu theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là miễn cho toàn bộ thời gian sử dụng đất thì quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP sẽ không còn và đi theo 2 chiều hướng: dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hoặc không được miễn tiền thuê đất, hoặc được miễn toàn bộ thời gian thuê.

Nếu theo hướng không miễn tiền thuê đất thì sẽ khó thu hút đầu tư, trái nguyên tắc khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực và địa bàn cần ưu đãi theo Luật Đầu tư. Vì các dự án hạ tầng khu công nghiệp đòi hỏi huy động nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn để tạm ứng giải phóng mặt bằng, để đầu tư hạ tầng, san nền, làm đường giao thông... Nếu không có chính sách ưu đãi về miễn tiền thuê đất sẽ khó thu hút nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

Ngược lại, nếu theo hướng miễn toàn bộ tiền thuê đất trong toàn bộ thời hạn dự án sẽ dẫn đến lãng phí, thất thu cho ngân sách nhà nước.

Do vậy, vị luật sự góp ý, Điều 128 Dự thảo quy định việc miễn tiền thuê đất có thể là miễn cho một số năm hoặc miễn toàn bộ thời gian thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013 đang quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.