Xã Văn Khê, huyện Mê Linh được biết đến là điểm đầu tiên của tuyến Vành đai 4 đang được TP Hà Nội triển khai.
Khoảng 10 năm qua, địa phương này đã phải thay tới 8 đời chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách, song vẫn đang là “điểm nóng” vi phạm trật tự xây dựng của cả huyện và TP.
Hàng nghìn m2 đất thuộc dự án của Công ty TNHH Ánh Sáng ở thôn Ngoại Khê 2 bị phân lô, xây dựng trái phép, xâm phạm hành lang đê tại xã Văn Khê
“Điểm nóng” Văn Khê
Đi trên tuyến đê tả sông Hồng chạy qua địa bàn xã Văn Khê, dễ dàng nhận thấy hàng chục công trình xây dựng sai phép, vi phạm hành lang đê, từ cấp 4 tới nhà kiên cố, nhà xưởng... nằm ngay sát chân đê.
Có công trình đã xây dựng 5 -7 năm trước, nhưng cũng có những công trình vừa xây.
Điển hình, tại ngay sát chân đê thuộc địa bàn thôn Khê Ngoại 2 đang tồn tại loạt ki-ốt, nhà xưởng trái phép trên diện tích hơn 10.000m2.
Năm 2020, Huyện ủy, UBND huyện đã quyết liệt thực hiện công tác cán bộ tại Văn Khê. Bộ máy lãnh đạo mới của xã đều là những người trẻ, nhiệt huyết, năng động, dám nghĩ dám làm. Hai năm qua, xã Văn Khê đã quyết liệt hơn và huyện đang, sẽ có những chỉ đạo, hỗ trợ Văn Khê trong việc lập lại trật tự xây dựng.
Ông Phùng Minh Chiến, Trưởng phòng Nội vụ huyện Mê Linh
Khu vực này vốn là một dự án làm vật liệu xây dựng được tỉnh Vĩnh Phúc (Mê Linh trước đây thuộc Vĩnh Phúc) phê duyệt.
Sau khi huyện sáp nhập về Hà Nội, dự án này không triển khai gì mà tự ý xẻ đất, phân lô.
Một điểm nóng khác là ở xóm Trại B, nơi có hàng nghìn m2 đất bị người dân lấn chiếm, xây dựng tường bao, công trình kiên cố.
Khu đất này vốn trước đây được tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch làm khu đất đấu giá. Tuy nhiên, sự buông lỏng quản lý một thời gian dài khiến đất bị một số người “nhảy dù”.
Ngoài ra còn có các khu vực đất ao Hoa Tràng, đất ao Miếu Bơi, đất ao Trạm y tế… Điểm chung ở các vị trí này là được xây dựng các công trình kiên cố, nhà cao tầng...
“Hơn một năm gần đây, Văn Khê mới tạm yên ổn chứ những năm trước đây bê bối lắm. Một số người có “máu mặt” vô tư chiếm đất, bán qua tay rất nhiều, cứ 2 - 2,5 triệu đồng/m2 mà không cần giấy tờ gì cả. Cán bộ xã bỏ bê kiến nghị của dân, lập biên bản xong đâu vẫn đấy, sai phạm tràn lan”, bà Nguyễn Thị Lan, thôn Ngoại Khê 2 chia sẻ.
Sự yếu kém trong quản lý, xây dựng trái phép xảy ra triền miên khiến rất nhiều lần lãnh đạo xã Văn Khê được thay thế, song tình hình không mấy khả quan.
Chỉ trong vòng 10 năm qua, có tới 8 lãnh đạo lần lượt thay phiên nhau giữ các vị trí chủ tịch, phó chủ tịch, như các ông: Nguyễn Thành Phẩm, Nguyễn Xuân Sở, Đỗ Trung Hồng, Lưu Văn Quân, Lê Văn Dũng, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Văn Như. Có người làm được vài năm, có người chỉ “trụ” được vài tháng.
Từ năm 2020 tới nay, Chủ tịch UBND xã Văn Khê là ông Lưu Văn Quân. Ông Quân được bầu giữ chức Chủ tịch xã trong hoàn cảnh năm 2020 cả dàn lãnh đạo xã bị kỷ luật vì liên quan đến quản lý đất đai.
Theo đó, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Lý bị kỷ luật, xuống làm Phó bí thư; Chủ tịch Nguyễn Văn Như bị kỷ luật, hiện đang giữ chức Phó chủ tịch HĐND xã; 2 Phó chủ tịch UBND xã là các ông Lê Văn Dũng, Nguyễn Văn Chung bị kỷ luật cách chức, cho thôi việc.
Ông Nguyễn Văn Như chia sẻ: “Thời kỳ đó chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong công tác. Địa bàn xã Văn Khê là “điểm nóng” từ nhiều đời chủ tịch trước, tới thời tôi hoạt động xây dựng trái phép vẫn diễn ra, khó xử lý.
Tôi từ chủ tịch UBND xã xuống phó chủ tịch HĐND thì tất nhiên là có vấn đề rồi. Việc đó cũng đã qua rồi, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy cũng đã vào cuộc, kết luận”.
Chủ tịch xã tự đi xử lý vi phạm trật tự xây dựng
Sau nhiều nỗ lực, khu đất bị nhảy dù lấn chiếm, xây nhà trái phép đã được cưỡng chế để làm nhà văn hóa
Ông Lưu Văn Quân, Chủ tịch xã Văn Khê sinh năm 1980, xuất thân từ cán bộ đoàn thanh niên. Theo chia sẻ của nhiều người dân thì ông Quân không hề có “vây cánh”, thậm chí một thời gian dài bị chèn ép và việc ông lên làm Chủ tịch xã “là một bất ngờ”.
“Trước khi nhận vị trí Chủ tịch UBND xã, tôi đang là Phó chủ tịch HĐND xã. Hôm lãnh đạo huyện về làm công tác tổ chức, phân công anh Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Văn hóa huyện làm Bí thư xã, tôi làm Chủ tịch UBND xã, tôi đã đứng lên từ chối với lý do không đủ kinh nghiệm, năng lực.
Tuy vậy, lãnh đạo quyết định phân công. Tôi đã thẳng thắn nói nếu thế, đề nghị các đồng chí hỗ trợ để tôi làm quyết liệt. Nếu không tôi sẽ tự viết đơn xin nghỉ.
Tôi nhận nhiệm vụ mà luôn thường trực tư tưởng có lẽ mình chỉ làm vài tháng là bị cho nghỉ. Có lẽ nhiều đồng chí khác cũng suy nghĩ như tôi!”, ông Quân trải lòng.
Khi PV phản ánh về việc Công ty TNHH Ánh Sáng xây dựng trái phép trên diện tích hàng chục nghìn m2 tại thôn Ngoại Khê 2, ông Quân thẳng thắn: “Các anh phản ánh đúng đấy, các công trình của họ đều xây dựng trái phép, xâm phạm hành lang đê điều.
Xã đã vào cuộc rất nhiều lần, lập nhiều biên bản vi phạm rồi báo cáo huyện. Thậm chí vừa qua, tôi đã báo cáo đề nghị lãnh đạo huyện chuyển vụ việc sang cơ quan công an để điều tra để xử lý nhưng tới giờ vẫn chưa thấy cơ quan công an vào cuộc”.
Ông Quân kể thêm: “Nhiều lần rồi, có khi nửa đêm, lúc thì 12h trưa, tôi một mình một xe máy ra chặn xe chở vật liệu xây dựng, máy xúc sau đó gọi điện yêu cầu công an, cán bộ xã tới xử lý. Tuy vậy, chế tài xử phạt quá nhẹ, giam xe vài ngày, họ nộp phạt rồi lại tiếp tục lén lút xây dựng”.
Theo ông Quân, tại xã có một tổ Công an huyện phụ trách địa bàn xã nhưng chưa phát huy hết vai trò.
“Tôi đã nhiều lần họp, thẳng thắn chỉ ra điều này, thậm chí đề xuất với Công an huyện cử 1 cán bộ trẻ, nhiệt huyết về chỉ đạo công tác công an tại địa bàn nhưng vẫn chưa được chấp nhận”, ông Quân nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Như cho biết: “Có lần tôi đã phát biểu với các cán bộ xã, hiện tại, tới 80% các vụ bắt xe vi phạm chở vật liệu xây dựng, lấn chiếm đất, xây dựng trái phép do Chủ tịch xã thực hiện là một bất cập”.
Thời gian gần đây, nhiều bất cập xây dựng tại địa bàn xã Văn Khê đã bước đầu có chuyển biến.
Nhiều năm qua, người dân khiếu kiện liên miên việc một số cá nhân lấn chiếm hàng nghìn m2 đất khu vực Hoa Tràng, xây công trình kiên cố trong khi người dân không có trụ sở nhà văn hóa.
Trước Tết, lực lượng chức năng xã, huyện đã tổ chức cưỡng chế thành công. Khu vực triền đê tả sông Hồng đi qua địa bàn xã hơn 10 năm qua tồn tại chợ cóc tập trung hàng nghìn người cũng vừa được giải tỏa chuẩn bị thành vườn hoa.
Tuy vậy, trên địa bàn xã Văn Khê còn tồn tại hàng chục công trình xây dựng trái phép.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận