Xã hội

Hà Nội: Đưa bến xe khỏi nội đô, đừng để cao ốc thay thế

10/05/2022, 14:00

Theo các chuyên gia, muốn hiện thực hoá quy hoạch bến xe, Hà Nội rất cần các cơ chế đột phá thu hút đầu tư.

Cùng đó, quỹ đất có được từ việc di dời phải được sử dụng để phục vụ vận tải công cộng, tuyệt đối không xây chung cư, cao ốc.

img

Bến xe Nước Ngầm về lâu dài theo Quy hoạch của TP Hà Nội sẽ được điều chỉnh công năng

Xây mới các bến bám trục Vành đai 4

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký Quyết định số 1218 phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, các bến xe hiện có (trong khu vực đường Vành đai 3) gồm: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của bến xe trên cơ sở quy mô hiện có.

Về lâu dài, các bến này sẽ được thay thế bằng các bến xe theo quy hoạch tại khu vực lân cận đường Vành đai 3 (bến Đông Anh, bến Cổ Bi) và Vành đai 4 (bến Nội Bài, Phùng và bến phía Nam...).

Quỹ đất các bến xe khách hiện có này sẽ được chuyển chức năng, ưu tiên cho nhu cầu phục vụ giao thông công cộng và giao thông đô thị (bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ...). Trong giai đoạn trung hạn, xây dựng bến Yên Sở (diện tích khoảng 3,2ha) theo dự án đầu tư được duyệt.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, việc lựa chọn vị trí các bến xe được xác định trên cơ sở phù hợp với định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Quy hoạch GTVT Thủ đô; các đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện, đô thị vệ tinh; các quy hoạch phân khu đô thị.

Các bến xe được quy hoạch có đủ diện tích để bố trí kết nối các loại hình phương tiện giao thông công cộng phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách cũng như dự phòng quỹ đất cho việc mở rộng, phát triển trong tương lai.

KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc Hà Nội ban hành Quy hoạch bến bãi đỗ xe là cần thiết, là mảnh ghép không thể thiếu được trong quy hoạch chung của Hà Nội để giải toả áp lực giao thông.

“Quy hoạch lần này có ưu điểm là đã khảo sát đánh giá kỹ những quy hoạch bến bãi đỗ xe trước đây và những dự án không thành công để điều chỉnh lại. Đồng thời, quy hoạch cũng trùng khớp với quy hoạch phân khu nội đô, quy hoạch các vùng của đô thị trung tâm và các quy hoạch chuyên ngành khác”, ông Nghiêm đánh giá.

Quỹ đất dành để phục vụ vận tải công cộng

Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, muốn quy hoạch khả thi, Hà Nội cần đảm bảo các điều kiện đi kèm.

Cụ thể, về cơ chế, ông Mười cho biết, Quyết định 12 của Bộ GTVT với những cơ chế, chính sách khá cụ thể, thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách trong đó có việc cho phép hỗ trợ tối thiểu 20% lãi suất vay các tổ chức tín dụng đối với dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng bến xe khách theo hình thức xã hội hóa.

Để tạo thuận lợi cho hành khách, các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại.
Hà Nội cũng sẽ bố trí các bãi đỗ xe phục vụ cho hành khách chuyển đổi loại hình phương tiện vận chuyển từ xe cá nhân sang đi phương tiện giao thông công cộng.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội

Tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ, trường hợp không kêu gọi được xã hội hóa xây dựng bến xe khách, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cơ bản bắt buộc của bến xe khách (khu vực đỗ xe đón, trả khách, phòng vé và phòng chờ…).

Cũng theo ông Mười, việc quỹ đất từ các bến xe hiện có sau khi di dời sẽ phải phục vụ vận tải công cộng (bãi đỗ xe, điểm trung chuyển xe buýt…) không phải xây chung cư hay mục đích khác.

Đặc biệt là Hà Nội hiện có tới 5,7 triệu xe máy, 0,6 triệu ô tô, nhưng hệ thống bãi đỗ xe công cộng hiện mới đáp ứng được 20% nhu cầu.

Những lo ngại của ông Mười không phải là không có căn cứ. Theo thông tin của Báo Giao thông, đã có nhiều bến xe Hà Nội “xóa sổ” nhưng quỹ đất lại không dành cho giao thông đô thị.

Điển hình như bến xe Lương Yên trên đường Nguyễn Khoái đã được thay thế thành 3 tháp nhà ở cao tầng khiến giao thông trong khu vực càng thêm tắc. Tương tự, bến xe Hà Đông do tỉnh Hà Tây cũ quản lý, cũng đã ngừng hoạt động để xây dựng chung cư cao tầng.

Đồng quan điểm, KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, muốn hiện thực hoá quy hoạch, rất cần các cơ chế đột phá (ưu đãi giá đất, lãi suất, nguồn vay vốn) để thu hút đầu tư cũng như các giải pháp quyết liệt để đã làm là làm bằng được.

Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia e ngại việc đưa bến xe ra xa khu vực ngoài đô thị sẽ gây khó khăn cho hành khách (mất thêm thời gian và chi phí đi lại) đồng thời dễ tạo cơ hội để tình trạng xe dù, bến cóc tràn vào các khu trung tâm, gây mất trật tự ATGT.

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo khẳng định, “sẽ có các giải pháp đồng bộ tạo sự thuận tiện cho người dân” và “việc định hướng kết nối các loại hình giao thông công cộng tại các bến xe khách liên tỉnh đã được xác định ngay trong quá trình lập, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.