Đô thị

Hà Nội: Gần 700 tỷ đồng thay "áo mới" nhiều tuyến phố

26/12/2023, 10:02

Hà Nội vừa duyệt chi gần 700 tỷ đồng duy tu, cải tạo 83 tuyến đường, hoàn tất trước ngày 31/12, đảm bảo mỹ quan cũng như việc lưu thông của người dân được thuận tiện, an toàn.

Thay "áo mới" cho đường cũ

Dắt xe xuống gửi ở hầm một tòa nhà trên phố Lý Thường Kiệt, chị Vũ Phương Trà (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Hai tuần nay, khi đi qua nhiều tuyến phố như Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Lê Duẩn… tôi thấy mặt đường đều được thảm lại mới tinh, sơn kẻ vạch rõ ràng. Tôi làm việc ở quận Hoàn Kiếm, thường xuyên qua lại những tuyến phố này, giờ thấy khác trước rất nhiều!".

Hà Nội: Gần 700 tỷ đồng thay "áo mới" nhiều tuyến phố - Ảnh 1.

Đường Lê Duẩn cùng hàng chục tuyến đường phố khác được thảm lại tạo diện mạo mới.

Cũng như chị Trà, anh Nguyễn Tuấn Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, trước đây di chuyển trên đường Lê Duẩn anh thấy nhiều đoạn bị cũ nát, hố ga nhô lên hoặc tụt sâu. Còn hiện tại đường phẳng phiu, rộng, thoáng, sơn kẻ vạch rõ ràng.

Theo ghi nhận, phố Lê Duẩn vốn bị người tham gia giao thông phản ánh về việc lòng đường nhiều đoạn xấu, xuống cấp, nay được thảm lại nhựa đen bóng. Các nắp hố ga nằm trên đường đã được nâng độ cao lên bằng nền đường nhựa mới thảm.

Hàng chục tuyến phố có lòng đường cũ khác cũng đã được thảm lại, mở rộng thêm một số đoạn như: Thái Hà, Nguyễn Trãi, Giải Phóng - Ngọc Hồi, Trần Hữu Dực, Trịnh Văn Bô, Châu Văn Liêm, đường dẫn lên cầu Thanh Trì…

Tuyến đường trục chính 80B đi Chùa Trầm (Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội) vài tháng trước là nỗi ám ảnh của cả xã vì bánh xe lăn đến đâu đều là mặt đường cũ nát, có nhiều hố. Nhưng nay cũng đã được nâng cấp, cải tạo, khiến bà con nhân dân phấn khởi.

Thường xuyên rà soát, sửa chữa

Sở GTVT Hà Nội cho biết, để mở rộng lòng đường, giảm xung đột giao thông và ùn tắc, trong tháng 12/2023, các đơn vị duy tu, quản lý đường hiệm thực hiện duy tu, mở rộng lòng đường, xén dải phân cách trên 83 tuyến ở các quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Ba Đình, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông và các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh, Sóc Sơn, Thường Tín, Đan Phượng, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Chương Mỹ. Kinh phí dự kiến khoảng 700 tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, rất nhiều tuyến đường nhánh ở trung tâm Thủ đô từ lâu đã xuống cấp, gồ ghề, gây mất mỹ quan, chưa kể nguy cơ mất an toàn cao.

"Việc sửa chữa đường lần này đảm bảo kịp thời, được quan tâm thực hiện nhiều hơn so với những năm trước đây", bà Thủy đánh giá và góp ý thêm, hiện tại vẫn còn một số vị trí trên các tuyến đường Phạm Hùng, Tố Hữu, Lê Văn Lương, Giảng Võ… có dấu hiệu xuống cấp. Vì thế, thành phố cần sớm xem xét, bố trí ngân sách để cải tạo.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông đô thị đánh giá, việc nâng cấp các tuyến đường trên địa bàn Hà Nội đang được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần lưu ý, với những tuyến đường đang ùn tắc, đông đúc phương tiện cần được quan tâm nhiều hơn.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, giao thông Hà Nội ngày càng đông đúc, việc cải tạo lại bề mặt nhiều tuyến đường với mục tiêu đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi, tránh va chạm.

"Các tuyến đường trục chính, đường nhánh sẽ thường xuyên được Sở giao cho đơn vị duy tu, quản lý đường hàng ngày phải rà soát và có kế hoạch để đề xuất chỉnh sửa lại nhằm đảm bảo lưu thông thuận tiện, an toàn", ông Bảo nhấn mạnh.

Trước một số ý kiến lo ngại số lượng các tuyến đường duy tu, sửa chữa rất lớn, song thi công trong thời gian ngắn chỉ từ đầu tháng 11 đến ngày 31/12 liệu có đảm bảo được chất lượng, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, công tác thi công từ cấp phép, nguồn vật liệu, quá trình xây dựng đều có hàng trăm kỹ sư giám sát kỹ lưỡng.

Sau khi thi công còn có địa phương, Phòng quản lý giám sát chất lượng công trình giao thông thuộc Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, đảm bảo chất lượng mới nghiệm thu hoàn thành. "Quy trình chặt chẽ là vậy nên nhà thầu, đơn vị chủ đầu tư phải chấp hành, tuân thủ nghiêm, không có chuyện đường vừa làm xong đã hư hỏng", ông Bảo cho hay.

Đại diện phía Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cũng cho biết, đặc thù các công trình giao thông Hà Nội phải thi công vào ban đêm. Tuy nhiên, đơn vị vẫn đều đặn cử giám sát giàu kinh nghiệm kiểm soát từng hạng mục của dự án.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.