Lãnh đạo Hà Nội ký kết hợp tác với các đối tác |
Ngày 4/6, Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, trải qua 30 năm đổi mới, Hà Nội đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục ở mức khá cao, GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 3.660 USD, tăng gấp 6,36 lần so với năm 1990.
Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết, nhiệm vụ và thách thức của giai đoạn 2016-2020 là Hà Nội cần huy động khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội. Trong đó, vốn đầu tư ngân sách chiếm khoảng 20%; vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 80%.
Theo danh mục các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) giai đoạn 2016-2020 (Đợt 1), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, Hà Nội sẽ tập trung trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung, y tế, khu công nghệ cao...
Chủ tịch TP Hà Nội đã giới thiệu 52 dự án với tổng mức đầu tư (dự kiến) là 338,725 nghìn tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD). Bên cạnh đó, Hà Nội cũng giới thiệu danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa với tổng số 43 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến là 372,25 nghìn tỷ đồng.
Kiến nghị tại hội nghị, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nêu, TP Hà Nội cần rà soát, chỉnh sửa toàn bộ quy trình giải quyết chuyên môn từng phòng ban trong từ sở ban ngành, quy trình lấy ý kiến giữa các sở ban ngành và liên ngành bao gồm hồ sơ, biểu mẫu, quyền hạn và thời gian các đầu mối nhận và trả kết quả... Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp nắm được quy trình và tiến độ hồ sơ đang ở giai đoạn nào mới có thể giải quyết nhanh công việc.
Bên cạnh đó, đại diện này cho rằng, Hà Nội cần rà soát lại các chính sách, thủ tục hành chính, cách tính các loại thuế VAT, thu nhập, đất đai… đã không còn phù hợp với điều kiện hội nhập…
“Phòng đăng ký kinh doanh hiện nay tại Hà Nội đang quá tải, doanh nghiệp phải xếp hàng lấy số, hồ sơ quá nhiều, Sở KH&ĐT phải giải quyết khoảng 120.000 hồ sơ một ngày với ba phòng làm việc. Vì thế chúng tôi đề nghị Sở KH&ĐT mở thêm phòng đăng ký kinh doanh, hướng tới đăng ký kinh doanh qua mạng, giảm thiểu áp lực cho doanh nghiệp”, đại diện này nói.
Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, TP sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện, là địa điểm đầu tư an toàn và thành công của các nhà kinh doanh.
Cụ thể, chính quyền TP sẽ làm tốt vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Ngay sau Hội nghị này, TP sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ Doanh nghiệp khởi nghiệp. TP sẽ ban hành chương trình để thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển các hoạt động phi chính thức sang chính thức trên diện rộng bằng các việc làm rất cụ thể như: hỗ trợ, làm thủ tục từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo để từ chủ hộ kinh doanh thành chủ các doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, đất đai… Phấn đấu, trong giai đoạn 2016-2020, TP có thêm 200 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và hoạt động có hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Nội và các địa phương cần quán triệt tinh thần xây dựng Chính phủ điện tử, tập trung nhiều hơn vào cơ chế chính sách, đề cao trách nhiệm cá nhân, vấn đề gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm.
Thủ tướng biểu dương Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức hội nghị hợp tác, đầu tư với sự tham gia các hiệp hội, doanh nghiệp, đầu tư kinh tế cả nước.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội đi tiên phong thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước, chính quyền TP cần sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, Hà Nội cần trở thành thành phố khởi nghiệp...
Ngay sau hội nghị là lễ kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND TP Hà Nội với các tổ chức, tập đoàn, nhà đầu tư và công bố các chương trình an sinh xã hội. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 36,9 nghìn tỷ đồng (khoảng gần 1,7 tỷ USD). Trong đó, 7 dự án FDI có tổng số vốn đầu tư trên 15 nghìn tỷ đồng (khoảng 700 triệu USD) và 16 dự án vốn đầu tư trong nước có tổng vốn đầu tư gần 22 nghìn tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận