Xã hội

Hà Nội khởi công xây nhà máy xử lý nước thải hơn 16.000 tỷ

07/10/2016, 18:32

UBND TP Hà Nội vừa khởi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá với tổng mức đầu tư 16.200 tỷ.

20161007-090719-1475814951610

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) với công suất 270.000 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 16.200 tỷ đồng

Ngày 7/10, UBND TP Hà Nội khởi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD, tương đương 16.200 tỷ đồng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đây là lần đầu tiên Thủ đô có một dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn với công suất 270.000 m3/ngày đêm. Với công suất này, dự án được kỳ vọng sẽ làm “sống lại” các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ vốn nổi tiếng ô nhiễm từ lâu.

Quy mô xây dựng dự án bao gồm nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối (dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ) và một phần sông Nhuệ với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52 km. Phần lớn hệ thống cống thu gom sẽ được thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm, phương pháp này sẽ giúp tránh được việc vận hành phức tạp của các trạm bơm, quỹ đất yêu cầu nhỏ hơn.

Đặc biệt việc thi công cống được thực hiện dưới các dải cây xanh và dưới lòng sông, làm giảm ảnh hưởng xấu của hoạt động thi công lên hệ thống hạ tầng giao thông, hạn chế tác động tới môi trường và cư dân xung quanh.

UBND thành phố Hà Nội cho biết, sau khi hoàn thành, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và hệ thống thu gom sẽ đưa toàn bộ nước thải của các quận Ba Đình, Cầu  Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì về nhà máy xử lý.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là công trình trọng điểm, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc cải tạo môi trường, làm “sống lại” các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ, góp phần tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển bền vững Thủ đô.

Trước đó, theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2021, nhưng sau đàm phán và thực hiện hàng loạt giải pháp rút ngắn tiến độ thi công, dự án này đã rút ngắn thời gian thi công được 2 năm, dự kiến hoàn thành năm 2019. Việc rút ngắn thời gian hoàn thành dự án đã tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.