Xã hội

Hà Nội muốn "làm sống lại" loa phường: Cần nghiên cứu kỹ, tránh lãng phí

27/07/2022, 13:48

Nhiều ý kiến cho rằng, kế hoạch "phủ sóng" loa phường đến tận thôn, khu phố của Hà Nội cần phải được nghiên cứu kỹ để tránh lãng phí.

Nhiều ý kiến trái chiều

Thông tin UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân sinh sống tại Thủ đô.

Không ít những ý kiến trái chiều xoay quanh kế hoạch "làm sống lại" loa phường của UBND TP Hà Nội.

img

Hà Nội ban hành kế hoạch đến năm 2025, 100% thôn, tổ dân phố có loa phát thanh hoạt động

Chị Hoàng Thu Ngân (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cảm thấy bất ngờ trước thông tin TP Hà Nội muốn "phủ sóng" rộng rãi loa phường.

"Thời đại công nghệ thông tin, các tổ dân phố thường gửi thông báo cho người dân trên các group facebook, zalo... Giờ mà dùng loa phường vừa dễ gây phiền phức vì tiếng ồn lớn, vừa tốn tiền mua thiết bị, thuê nhân sự phát loa", chị Ngân nói.

Năm 2017, ông Nguyễn Đức Chung, khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh" và tổ chức lấy ý kiến người dân về việc dừng sử dụng thiết bị này.

Đến tháng 8/2017, Hà Nội đã ban hành đề án số 5133 sắp xếp lại hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn theo hướng tại các quận chỉ duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa) và loa phường tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không phát hằng ngày, chỉ phát khi có thông báo khẩn như thiên tai, dịch bệnh hoặc theo yêu cầu của trung ương, thành phố.

Bà Nguyễn Thị Vân (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết, trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, loa phường thực hiện rất tốt nhiệm vụ tuyên truyền, có tác dụng thiết thực, nâng cao cảnh giác cho người dân.

"Nhưng những ngày bình thường không nên sử dụng loa phường vì âm thanh gây ảnh hưởng đến người dân. Có chăng thì cũng chỉ nên sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp", bà Vân, nói.

Anh Đồng Anh Tú (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) thì cho rằng, nếu duy trì loa phường cũng không nên mở loa vào buổi sáng sớm và tối muộn trừ trường hợp khẩn cấp.

"Cần tránh tối đa việc gây ô nhiễm âm thanh cho người dân. Muốn làm được điều này thì cần phải có hệ thống loa đến các hộ dân. Có nghĩa là một chiếc loa cung cấp âm thanh cho vài hộ gia đình chứ không phải một cái loa phát cho cả tổ dân phố nghe", anh Tú đề xuất.

img

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội

Sao cứ phải loa phường?

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, số người tiếp cận thông tin từ loa phường tại các thành phố là không cao, điều này cho thấy sự không hiệu quả của loại hình truyền tin này.

"Tôi thấy loa phát thanh ở các vùng nông thôn thì còn có hiệu quả. Còn ở Hà Nội gần như không có tác dụng, bởi mọi người đều bận rộn, rồi nhiều tiếng ồn từ xe cộ đi lại, công trình xây dựng... nên thêm loa phường chỉ thấy thêm ồn ào, không khả thi", bà Hồng nêu quan điểm.

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, hiện nay mọi người sử dụng Internet rất nhiều, qua các hội nhóm như zalo, facebook thì có thể thông báo mọi tin tức cho người dân. Đây là kênh thông tin không mất phí, lại tiện lợi vì những người quan tâm có thể mở ra đọc, lưu lại ở mọi khung giờ.

“Như ở phường tôi, hiện công an khu vực có nhóm zalo các hộ dân, mọi thông tin được cập nhật, trao đổi ở đó, vừa nhanh gọn vừa yên tĩnh. Chứ tôi nhớ trước đây cơ quan làm việc ở đường Lý Thường Kiệt, cứ 16h là cơ quan họp, nhưng cũng thời điểm đó là loa phường phát lên rất to. Mọi người phải tranh nhau nói đua với loa phường nên rất ồn ào, phiền phức", bà Hồng nói.

img

PGS. TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng

PGS. TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng cần phải khảo sát, lấy ý kiến người dân trước khi thực hiện khôi phục loa phường vì việc này ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

"Trước khi thực hiện, các thôn xã cần phải rà soát lại, xem nơi nào cần thật, có nhu cầu thực sự. Phải lấy ý kiến của người dân vì cái này liên quan đến đời sống của người dân. Bởi vì người dân cũng cần thời gian yên tĩnh, nhất là khi đêm hay buổi sáng. Tôi đề nghị là phải khảo sát, thực hiện thí điểm trước khi khôi phục lại đồng loạt", PGS. TS Bùi Thị An nói.

Theo kế hoạch về thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 của Hà Nội, đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh (loa phát thanh) hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân.

100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.

Đối với cấp huyện, đến năm 2023, 100% trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao cấp huyện cơ bản có đủ trang thiết bị và nhân lực thực hiện hoạt động thông tin cơ sở và truyền thông cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ.

Đến năm 2025, 100% quận, huyện, thị xã có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn TP.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.