Hạ tầng

Hà Nội thúc giải phóng mặt bằng ga ngầm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

05/08/2019, 14:39

Hiện chưa nhà ga nào trong số 4 ga ngầm giải phóng xong mặt bằng, tổng tiến độ đoạn ngầm và ga ngầm mới đạt hơn 5%.

img
Khu vực thi công ga gầm Kim Mã

Ngày 5/8, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, tổng tiến độ gói thầu số 3 (hầm và các ga ngầm) của dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đến nay mới đạt hơn 5%. Trên đoạn đường ngầm 4km của dự án có 4 nhà ga gồm: Kim Mã, Cát Linh, Văn Miếu, Trần Hưng Đạo, nhưng chưa ga nào giải phóng, thu hồi xong mặt bằng để phục vụ thi công.

Cụ thể, ga Kim Mã còn vướng gần 1% diện tích mặt bằng, trong đó có 3 hộ dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng, đang được chủ đầu tư phối hợp với UBND quận Ba Đình tiếp tục vận động, đồng thời xây dựng kế hoạch cưỡng chế giải phóng mặt bằng (GPMB). Ga Cát Linh còn 6 hộ dân và 6 cơ quan, đang trong thời gian hoàn thiện công tác đo vẽ hiện trạng, xác minh nguồn gốc đất để lập phương án thu hồi. Ga Văn Miếu còn hơn 5% diện tích, ga Trần Hưng Đạo còn 6% diện tích.

Cũng theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, tại Quyết định số 4036 của UBND TP.Hà Nội vừa ban hành (về việc phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện và cơ cấu nguốn vốn dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội), thành phố giao chủ đầu tư xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết công tác GPMB, thi công các hạng mục công việc còn lại của từng gói thầu; trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động tham gia triển khai từng nội dung công việc của dự án; đôn đốc nhà thầu tập trung nguồn lực thi công triển khai ngay trên tất các các vị trí đã được bàn giao mặt bằng.

UBND các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm có trách nhiệm chủ động, phối hợp với Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội xây dựng kế hoạch chi tiết GPMB đối với các phương án còn tồn tại làm cơ sở thực hiện và quản lý tiến độ.

img
Một nhà ga trên đoạn tuyến trên cao của dự án

Dự án tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang được xây dựng có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước. Theo điều chỉnh mới nhất của Hà Nội, thời gian thực hiện dự án 2009-2022, trong đó đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021, còn đoạn đi ngầm vào tháng 12/2022.

Ban Quản lý dự án cho biết thêm, gói thầu xây dựng đoạn tuyến trên cao hiện đạt hơn 99,5% khối lượng và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2019; hoàn thành toàn bộ các ga trên cao và Depot trong tháng 10/2020.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.