Hạ tầng

Hà Nội ưu đãi tư nhân đầu tư bãi đỗ, xóa tình trạng xe đỗ lòng đường

22/07/2019, 06:45

Hà Nội sẽ có nhiều chính sách ưu đãi người dân ở 4 quận trung tâm sử dụng đất thuộc sở hữu của mình đầu tư bãi đỗ xe...

img
Nhà để xe cao tầng trên phố Nguyễn Công Hoan, Hà Nội. Ảnh: Tạ Tôn

Nhiều cơ chế ưu đãi

HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về “Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải”.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị quyết này là các chính sách ưu tiên người dân trong 4 quận gồm: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình dùng nhà đất thuộc sở hữu của mình đầu tư bãi đỗ xe.

Cụ thể hơn, Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ có nhiều cơ chế hỗ trợ khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ ô tô và các phương tiện cơ giới khác.

Trong đó, thành phố sẽ hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuê đất (không bao gồm phần diện tích đất phục vụ kinh doanh dịch vụ, thương mại).

Riêng dự án đầu tư bến xe, sau 10 năm đầu kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuê đất sẽ được xem xét miễn hoặc hỗ trợ một phần tiền thuê đất đối với phần diện tích bắt buộc của các hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư bến xe.

Đáng chú ý, thành phố cũng hỗ trợ vay vốn khi đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, bến xe. Các dự án bãi đỗ xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng thuộc khu vực ngầm để đầu tư khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ khác hỗ trợ cho bãi đỗ xe ngầm. Ngoài ra, còn được hỗ trợ các khoản thuế, phí khác liên quan khi thực hiện đầu tư và khai thác bãi đỗ xe; được thu tiền theo giá trông giữ xe do thành phố quy định.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện thành phố có khoảng 6,5 triệu phương tiện các loại, chưa kể các loại xe chuyên dùng và lượng xe ở ngoại tỉnh đổ về Hà Nội. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông đô thị/diện tích đất xây dựng mới chỉ đạt từ 0,25 - 0,3%/năm, dẫn đến quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là khu vực đô thị trung tâm thường xuyên xảy ra ùn tắc.

“Quận Hoàn Kiếm có diện tích nhỏ nhất Hà Nội (4,53 triệu m2) nhưng có gần 200.000 xe máy và 17.000 ô tô. Với lượng xe này, cần hơn 1 triệu m2 để đỗ xe. Hiện, quận có hơn 300 điểm đỗ xe được cấp phép, nhưng phần lớn là lòng đường, vỉa hè... và cũng chỉ đáp ứng 14%”, ông Viện dẫn chứng.

Cùng đó, theo ông Viện, đồ án quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa đều là khu vực hạn chế, khó khăn về diện tích đất dành cho bãi đỗ xe, vì vậy hầu hết các bãi đỗ xe được quy hoạch trong khu vực 4 quận này là bãi đỗ xe ngầm.

Sẽ dẹp bãi xe trên lòng đường, vỉa hè

Tại Nghị quyết vừa được thông qua, HĐND TP Hà Nội giao UBND TP Hà Nội căn cứ vào nhu cầu thực tế, chủ động xem xét, áp dụng cơ chế chính sách đối với từng dự án, trường hợp cụ thể cho phù hợp; Xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể thủ tục và quy trình áp dụng các cơ chế chính sách khuyến khích đã được nêu trong trong Nghị quyết để đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện để các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh được tiếp cận thực hiện có hiệu quả.
Trước đó, cuối năm 2018, HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó dự kiến chi gần 30.000 tỷ đồng xây dựng hơn 200 bãi đỗ xe.


Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Thanh cho biết thêm, thực tế đang có khá nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại trên địa bàn 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa đã chủ động sử dụng một phần diện tích nhà đất đang sở hữu, sử dụng hợp pháp để phục vụ nhu cầu đỗ xe cho khách.

Mô hình cho phép cá nhân, hộ gia đình sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp đầu tư bãi đỗ xe đối với các khu vực hạn chế về quỹ đất cũng được một số nước triển khai áp dụng hiệu quả như: Nhật Bản, Hàn Quốc...

“Việc đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình có sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp trên địa bàn 4 quận đầu tư bãi đỗ xe ngầm, cao tầng cho ô tô và phương tiện cơ giới khác phục vụ nhu cầu công cộng là rất cần thiết và hoàn toàn khả thi”, ông Thanh nói.

Khẳng định việc khuyến khích người dân đầu tư bãi đỗ xe ngầm, cao tầng là phục vụ nhu cầu đỗ xe công cộng cho người dân và giải quyết kịp thời tình trạng quá tải, đường phố ùn tắc, thiếu bãi đỗ xe khu vực này, ông Thanh cho biết, việc người dân đầu tư xây bãi đỗ xe còn góp phần giải tỏa các bãi đỗ xe tạm thời dưới lòng đường, vỉa hè như hiện nay.

“Để đảm bảo quyền lợi cho chủ đầu tư xây bãi xe có phép, tất cả các bãi đỗ xe không phép đều phải được xử lý nghiêm và dẹp bỏ theo quy định của pháp luật”, ông Thanh nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội cho rằng, việc đầu tư bãi xe phải có quy hoạch và thiết kế cụ thể. Các điểm bãi đỗ xe tại TP Hà Nội mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đỗ xe của người dân. Chính quyền vẫn đang loay hoay tìm các giải pháp để vá lỗi quy hoạch. Từ khi có quy hoạch năm 2003, đến nay, hàng chục dự án bãi đỗ xe vẫn đang nằm trên giấy.

“Lâu nay, Hà Nội chưa thu hút chủ đầu tư kinh doanh bãi đỗ xe. Nguyên nhân chính do họ chưa nhận thấy việc kinh doanh bãi đỗ xe là một loại hình kinh doanh có hiệu quả như kinh doanh các loại nhà mặt phố. Nếu không có cơ chế ưu đãi đủ hấp dẫn, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục quay lưng”, TS. Nghiêm nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.