Đô thị

Hà Nội yêu cầu nhà thầu dỡ hàng rào bê tông trên đường Vành đai 2,5

13/10/2023, 15:20

Hà Nội yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp khẩn trương tháo dỡ ngay hệ thống hàng rào bảo vệ công trình dự án xây dựng đường vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A).

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà tháo dỡ hàng rào bê tông giữa dự án đường BT, rà soát, có báo cáo chứng minh về năng lực tài chính để triển khai thực hiện hoàn thành dự án.

Hà Nội yêu cầu nhà thầu dỡ hàng rào bê tông trên đường Vành đai 2,5  - Ảnh 1.

Hà Nội yêu cầu tháo dỡ rào bê tông chắn đường Vành đai 2,5.

Cụ thể, văn bản do ông Nguyễn Anh Đức, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội ký về việc thi công hàng rào bảo vệ công trình dự án xây dựng đường vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A) địa bàn quận Hoàng Mai theo hình thức BT nêu rõ: Hiện phạm vi nhà đầu tư rào chắn không tổ chức thi công (từ tháng 1/2022 đến nay) nên việc nhà đầu tư dự án dựng hàng rào chắn trên dải phân cách của tuyến đường 2,5 là chưa phù hợp gây mất mỹ quan đô thị. Đoạn rào dài khoảng 400m tạo thành bãi đỗ xe, bãi đổ rác gây mất vệ sinh, hạn chế tầm nhìn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội tại khu vực.

Do vậy, Ban quản lý dự án yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp khẩn trương tháo dỡ ngay hệ thống hàng rào. Trường hợp phải bảo vệ mặt bằng chống tái lấn chiếm hoặc thi công trở lại, đề nghị nhà đầu tư lập phương án tổ chức bảo vệ để thống nhất với UBND quận Hoàng Mai, Ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan trước khi thực hiện.

Đáng nói, qua kiểm tra thực tế, phạm vi dự án vẫn còn tình trạng đỗ xe, tập kết rác tại lòng đường, do vậy đề nghị nhà đầu tư liên hệ với UBND phường Định Công để có phương án xử lý theo chỉ đạo của UBND quận Hoàng Mai. 

Ban quản lý dự án yêu cầu nhà đầu tư rà soát tổng thể lại dự án để đề xuất phương án triển khai thực hiện sau khi tiếp nhận toàn bộ mặt bằng, cũng như rà soát, có báo cáo chứng minh về năng lực tài chính để triển khai thực hiện hoàn thành dự án.

"Để tạo điều kiện cho các phương tiện và người dân đi lại thuận tiện, an toàn, đề nghị nhà đầu tư kiểm tra hoàn chỉnh công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục lòng đường theo quy định để bàn giao hạng mục công trình đã hoàn thành khai thác tạm", Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội yêu cầu. 

Trước đó, những ngày qua, nhiều người dân phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh về việc chủ đầu tư dự án tuyến đường vành đai 2.5 tự ý rào tường bê tông chắn ngang con đường dân sinh. Hành động này đang ngăn lối đi lại của người dân ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân tại đây. 

Thay vì qua đường bằng lối đi dân sinh được mở, người dân KĐT Định Công phải đi hơn một cây số để sang được đường.

Theo người dân, việc chủ đầu tư dùng các tấm bê tông cao để ngăn người dân đi lại giữa 2 khu dân cư là hành động vô lý cản trở việc đi lại chính đáng của người dân trong khu vực và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Điều 47, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nêu rõ: Khi thi công công trình trên đường bộ đang khai thác, đơn vị thi công chỉ được tiến hành khi có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện theo đúng nội dung của giấy phép và quy định của pháp luật về xây dựng.

Đơn vị thi công cũng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn theo quy định, nếu để xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Dự án đường Vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A) được UBND TP Hà Nội phê quy hoạch từ năm 2002, giải phóng mặt bằng từ năm 2010.

Tuy nhiên sau hơn 10 năm triển khai, dự án vẫn gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, khiến nhiều hạng mục của dự án đình trệ, không thể tiếp tục triển khai gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Theo kế hoạch dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1 sẽ hoàn thành vào năm 2016 nhưng do công tác GPMB chậm nên đã chậm hơn 6 năm.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.