Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, trong công cuộc đổi mới hôm nay, những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị.
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà.
Sức mạnh chiến tranh nhân dân
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 là hai mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Vì sao ông cho rằng hai chiến thắng ở hai thời điểm khác nhau nhưng lại có nhiều điểm tương đồng?
Từ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chúng ta đã vận dụng sáng tạo được những bài học kinh nghiệm, sự thành công từ phương án tác chiến, nghệ thuật quân sự để làm nên thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vì sao người dân tin Đảng như thế? Bởi vì họ nhìn thấy đường lối, chính sách của Đảng phù hợp với nguyện vọng, mang lại quyền lợi chính đáng cho họ. Đó là bài học kinh nghiệm rất quý giá đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà
Trước hết, về quãng thời gian, tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 từ khi bắt đầu đến khi kết thúc là 59 ngày, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu và kết thúc là 56 ngày đêm. Hai chiến dịch này từ khi bắt đầu và kết thúc thắng lợi diễn ra trong gần 2 tháng.
Lịch sử cho thấy, các cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta thường được kết thúc bởi các trận quyết chiến chiến lược, tiêu biểu là trận Như Nguyệt năm 1077, đánh tan quân Tống; trận Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789, đại phá quân Thanh... Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chúng ta cũng giải quyết bằng hai trận quyết chiến chiến lược.
Điểm tương đồng tiếp theo, cả hai chiến dịch đều thể hiện rõ nét sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, với tinh thần "cả nước ra trận", "thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Chúng ta đã có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt từ công tác hậu cần, quân y, mở đường, sửa đường, cho đến lực lượng chiến đấu.
Ông có thể nói rõ hơn về "sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh" trong hai chiến thắng trên?
Đó chính là sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đường lối Đảng đề ra ngay từ đầu là kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình.
Chúng ta huy động được toàn dân tham gia kháng chiến, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi góc phố, xóm làng là một pháo đài. Điều này luôn làm cho địch căng thẳng từ đó dẫn đến thất bại là tất yếu. Chiến tranh toàn diện là đánh địch bằng quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hóa, tư tưởng, trong đó đấu tranh vũ trang đóng vai trò quyết định.
Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trong hai chiến dịch này còn thể hiện qua nghệ thuật quân sự.
Ở Điện Biên Phủ, đầu tiên ta định "đánh nhanh, giải quyết nhanh", nhưng cho đến phút chót Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay đổi phương châm tác chiến "đánh chắc, tiến chắc".
Còn với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, chúng ta đã giáng ba đòn tiến công chiến lược (chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh) liên tục về thời gian, liên kết về không gian. Mỗi đòn tiến công lại có cách thức tổ chức thực hiện giành thắng lợi khác nhau, cho thấy rõ sự phát triển đỉnh cao về nghệ thuật quân sự.
Yêu nước, đoàn kết là vũ khí vô song
Truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc được thể hiện thế nào trong chiến thắng Điện Biên Phủ và đại thắng mùa Xuân 1975, thưa ông?
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm không chỉ có đường lối chiến lược, chiến thuật độc đáo, đúng đắn, mà còn phải kể đến nhân tố con người. Nhân tố con người được kết tinh bởi lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, tự tôn, tất cả tổng hợp thành sức mạnh Việt Nam.
Trong lịch sử, ông cha ta luôn biết động viên tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của toàn thể nhân dân. Song hành với đó là truyền thống đoàn kết từ bao đời nay.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống đoàn kết được Đảng nâng lên tầm cao mới. Thể hiện rõ nét nhất là hình thành các Mặt trận như: Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam để đoàn kết nhân dân chống lại quân thù xâm lược. Đó là thứ vũ khí vô song.
Để xây dựng khối đại đoàn kết, Đảng đã có những chính sách động viên, bồi dưỡng sức dân, từ đó nhân dân tin tưởng, một lòng đi theo cách mạng.
Lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết
Theo ông, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa như thế nào trong thời đại ngày nay, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội?
Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh của mọi thành công, chiến thắng. Quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã đem lại những thành tựu to lớn.
Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng, chiều 7/5/1954.
Trong kháng chiến cứu nước, đoàn kết dân tộc có vai trò quan trọng để đi đến thắng lợi, thì trong phát triển kinh tế - xã hội, đại đoàn kết dân tộc lại càng phải được phát huy. Điều này được minh chứng rõ nét nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Đảng và cả hệ thống chính trị cùng toàn thể đồng bào chung sức đồng lòng, quyết tâm "chống dịch như chống giặc" để từng bước đẩy lùi và vượt qua đại dịch.
Trong bối cảnh khu vực và thế giới có những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường như hiện nay, bài học từ thành công của hai cuộc kháng chiến có ý nghĩa ra sao đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, thưa ông?
Nguyên tắc hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Việt Nam là phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trước hết, trên hết. Để thực hiện nguyên tắc này, trước hết cần nỗ lực, dựa vào sức mình là chính.
Chúng ta coi trọng việc thiết lập và phát triển quan hệ với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ với tinh thần "không gây thù oán với một ai"; Giữ vững độc lập tự chủ, không chịu sức ép, tác động của bất cứ ai, thi hành chính sách cân bằng, không ngả theo bên này, chống bên kia.
Đảng và Nhà nước đã xây dựng và triển khai nhiều chủ trương, chính sách đối ngoại linh hoạt, phù hợp. Từ chủ trương "muốn là bạn" đến "sẵn sàng là bạn", "là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm" của cộng đồng quốc tế; Từ quan niệm "địch", "ta", chuyển sang cách nhìn nhận về đối tác, đối tượng.
Bằng chứng là thời gian qua, chúng ta đã ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước lớn như: Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Australia...
Đây chính là trường phái ngoại giao cây tre và hiện nay chúng ta đang cụ thể hóa lời dạy của Bác Hồ là "dĩ bất biến, ứng vạn biến", độc lập, chủ quyền là cái bất biến, không đổi chác với bất kỳ giá nào.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận