Chiều 23/1, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Cái Nước (tỉnh Cà Mau), đơn vị vừa tiếp nhận, điều trị cho hai bệnh nhân nghi bị ngộ độc do ăn so biển.
Hai người bị ngộ độc là anh C.T.H (31 tuổi, ngụ huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) và bà N.T.N. (46 tuổi, mẹ vợ anh H).
Trong đó, anh H bị ngộ độc nặng, được các bác sĩ điều trị tích cực và phải thở bằng máy để hỗ trợ hô hấp. Còn bà N bị ngộ độc nhẹ.
Hiện tại, sức khỏe của hai bệnh nhân trên đã ổn định, đang được tiếp tục theo dõi điều trị tại bệnh viện.
Theo thông tin ban đầu, trước đó, trong lúc đi biển, anh H bắt được ba con giống như con sam, nên mang về cùng người thân nướng ăn.
Sau đó, anh H và mẹ vợ là bà N.T.N có biểu hiện bị tê tay, tê chân, khó thở…, được người thân nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Đa khoa Cái Nước cấp cứu vào chiều 22/1.
Con so biển dễ bị nhầm lẫn với sam
Sam biển: Đuôi sam biển có gờ mặt lưng rất rõ, hình tam giác. Sam biển sống từng cặp, mỗi cặp làm tổ để sinh sống cùng nhau. Sam trưởng thành nặng 1,5-2kg. Sam biển được khai thác, buôn bán và sử dụng làm thực phẩm. Sam biển không gây ngộ độc.
So biển: Sống ở ven biển, nơi có các mạch nước ngọt. So có hình dạng rất giống sam biển nhưng kích thước nhỏ hơn và không đi theo thành từng cặp. Đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn. Kích thước tối đa của so là 25cm, trọng lượng dưới 1kg. So biển có độc tố Tetrodotoxin giống như cá nóc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận