Thị trường

Hải sản cháy hàng, tăng giá mạnh dịp lễ 30/4

Lượng tiêu thụ hải sản tăng tới 500%, khiến cho giá các mặt hàng này tăng rất cao, ngưỡng 50-200%...

Giá tăng từ 50-200%

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, mặt hàng được nhiều người chọn mua dịp này là hải sản. Vì thế, giá cả mặt hàng này ở hầu hết các chợ ở TP. Hà Nội đều đang tăng rất cao, ngưỡng 50-200%.

Ghi nhận tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), giá cua biển từ mức 350-400 nghìn đồng lên 580-600 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 50-65%; Bạch tuộc từ 150-170 nghìn đồng lên mức 220-250 nghìn đồng/kg, tương ứng mức tăng gần 50%.

img

Ốc hương, cua biển, tôm, mực.... đều tăng cao

Các loại hải sản có mức tăng cao nhất là mực ống, từ mức 150-170 nghìn đồng/kg loại 8-10 con/kg lên 270-280 nghìn đồng/kg, tương đương với mức tăng 65-80%; Ốc hương từ mức 300-350 nghìn đồng/kg lên 660-700 nghìn đồng/kg; Tôm sú tăng lên 330 nghìn đồng/kg từ mức giá 180-200 nghìn đồng/kg/30 con, tôm sú loại to khoảng 550-600 nghìn đồng/kg/15-20 con,… tương ứng mức tăng từ 100-200%.

Tương tự, tại các chợ Phùng Khoang, Thành Công, Mỹ Đình cũng ghi nhận mức giá tăng cao. Trung bình, cua biển có giá 540-570 nghìn đồng/kg; Tôm sú 530-600 nghìn đồng/kg tùy loại; Sò lụa 130 nghìn đồng/kg; Tôm hùm 850-1.200 nghìn đồng/kg (trung bình 4gram/con-250gram/con)…

Các tiểu thương cho biết, đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay.

Tiêu thụ hải sản tăng 500%

Theo ông Trường, một mối buôn hải sản ở chợ Long Biên cho biết, giá tăng cao do sức mua tăng mạnh dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, giá cũng nhảy múa hàng ngày.

“Trong dịp này, giá ở thành phố tăng cao là do nguồn mua ở những vùng biển tăng mạnh. Phần lớn nếu không chuẩn bị được hàng sớm sẽ không có hàng bán”, ông Trường nói và cho biết, đa phần nguồn hàng lấy mới ở thời điểm này đều tăng hàng ngày, thậm chí trả giá cao cũng không có hàng.

img

Sức mua dịp này tăng tới 500% so với những năm trước bị hạn chế bởi dịch Covid-19

Chị Dung, chủ thuyền ở Nghệ An cho biết thêm, lượng hàng mua tăng mạnh cả tháng qua. Nhà hàng, khách sạn đều tăng mua dự trữ để phục vụ dịp lễ.

Hơn nữa, giá dầu tăng tới 60% nên giá hải sản đánh bắt cũng đã tăng cao so với mọi năm do giá dầu chiếm tới 50% chi phí đánh bắt.

“Lượng hải sản không nhiều do biển động nên chúng tôi chỉ đủ cung cấp cho các mối lớn”, chị Dung nói và cho biết, năm nay sản lượng tiêu thụ hải sản tăng hơn 500% so với vài năm qua. Do đó, việc giá tăng kỷ lục cũng là điều dễ hiểu.

Thực tế, ghi nhận của PV cho thấy, sau 2 năm phải đóng cửa do dịch bệnh Covid-19, lượng khách từ kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay tăng mạnh ở hầu hết các địa phương, các điểm du lịch.

Đơn cử, theo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, hầu hết các khách sạn ven biển và gần biển các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đều đạt công suất cao, đến 80%. Riêng những khách sạn 4-5 sao ven biển trên đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa... hầu hết đều có công suất đặt phòng trên 90%, thậm chí cháy phòng.

“Dự báo lễ 30/4 năm nay lượng khách đi du lịch tăng đột, nhiều hãng du lịch, địa phương đã ra các chương trình ưu đãi để thúc đẩy du lịch dịp này sau hơn 2 năm "đóng băng", trong khi, lượng khách cũng rất hào hứng được đi du lịch khi các quy định phòng dịch gần như mở toang", ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc marketing Công ty Du lịch BestPrice cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.