Thị trường

Hàng hóa đang tồn kho, dù dự đoán giao dịch bật lò xo

16/12/2022, 19:05

Đó là đánh giá của bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV tại Hội nghị thường niên Hiệp hội DN Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA).

Đơn hàng xuất khẩu còn giảm trong năm 2023

Đánh giá về tình hình kinh tế, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, các ngành hàng sản xuất chủ lực truyền thống của nước ta như dệt may, da giầy, nội thất... đều có sụt giảm mạnh đơn hàng những tháng cuối năm 2022 và còn tiếp tục khó khăn trong 2023 khi đã ghi nhận đơn hàng sụt giảm đáng kể.

img

Nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam cho biết lượng đơn xuất khẩu năm 2023 sụt giảm đáng kể

Còn những mặt hàng như thủy hải sản, trái cây, lúa gạo,...đơn hàng tốt, nhưng DN lại gặp khó khăn về vốn để thu mua. Nhất là khi mùa thu hoạch tập trung từ tháng 10 năm nay đến tháng 1 năm sau. Trong khi đó, dòng tiền nước ngoài tốt hơn nên những DN FDI có lợi thế thu gom. Tạo thêm sự cạnh tranh gay gắt cho DN Việt,

Bà Thủy cũng cho biết, thực tế, hàng hóa hiện đang tồn kho ở mọi khâu, mọi thị trường, dù trước đó nhiều cơ quan quốc tế cũng đánh giá rằng nhu cầu giao dịch sẽ có sức bật như lo xò trong năm 2022 khi kiểm soát được tình hình Covid-19.

Nguyên nhân của sự sụt giảm đơn hàng chủ yếu đến từ hai yếu tố. Đó là, do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu, khiến cầu tiêu dùng và đầu tư (đặc biệt là đầu tư lĩnh vực bất động sản trên toàn cầu) giảm mạnh.

Ngoài ra, còn do xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt từ phía Mỹ, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.

Còn đau đầu khi DN nhận thức thấp về xanh hóa

Bà Thủy cũng chỉ ra những thay đổi mới sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu thời gian tới. Theo bà, châu Âu và Mỹ đã và đang đệ trình Đạo luật cạnh tranh sạch – tức, áp thuế cạnh tranh cho những sản phẩm theo ưu tiên mức xanh hóa. Chắc chắn sẽ thông qua rất sớm!.

Ở Châu Âu, dự kiến có 4 lĩnh vực như nhôm thép, xi măng, phân bón, điện sẽ áp trước. Và từ tháng 10/2023 sẽ áp cho những ngành có sử dụng những sản phẩm đó.

Còn thị trường Mỹ khó khăn hơn, khi những ngành hàng bị áp thuế đầu tiên rất nhiều. Dự kiến áp dụng toàn bộ cho các ngành hàng từ năm 2024 nếu được thông qua.

img

Hội nghị thường niên Hiệp hội DN Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) diễn ra ngày 16/12

Bà Thủy cũng lưu ý, ở Mỹ, họ sẽ quan tâm đến những quốc gia có dữ liệu đánh giá minh bạch mức phát thải, và nếu không có dữ liệu minh bạch ở cấp độ quốc gia để đánh thuế thì quốc gia đó sẽ bị áp luôn một mức thuế cho toàn bộ quốc gia đó.

“Nếu vậy, tình huống của chúng ta sẻ như thế nào”, bà Thủy đặt vấn đề và cho rằng, đây là câu chuyện đau đầu khi nhận thức của DN đang ở mức độ thấp, chỉ 20% DN nhận thức được cam kết giảm phát thải của Thủ tướng Chính phủ ở COP26.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng nhấn mạnh, xu hướng xanh hóa hoạt động thương mại là trào lưu tất yếu.

Theo ông Hải, xu hướng này sẽ tạo ra tiêu chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với việc thêm chi phí nhiều hơn cho hoạt động thương mại và logistics (ví dụ EU đánh thuế carbon).

Khẳng định logistics liên quan đến tất cả các ngành sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Do vậy, ông Hải cho rằng, ngành logistics cần phản ứng nhanh nhạy hơn nữa với các vấn đề thực tiễn của thị trường.

Theo đó, hướng đến những xu hướng mới trong logistics như: Logistics đô thị, logistics thương mại điện tử, logistics nông sản, logistics xanh.

Ví dụ, các hãng tàu trong việc sử dụng nhiên liệu, các DN giao nhận chuyển sang sử dụng xe điện, các trung tâm logistics chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, doanh nghiệp sử dụng bao bì tái chế…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.